Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp vì biểu tình

Tổng thống Ecuador Lenin Moreno ngày 3/10 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại quốc gia Mỹ Latinh này do các cuộc biểu tình trên cả nước làm tê liệt phần lớn hệ thống giao thông.

Chú thích ảnh
Người dân Ecuador tham gia biểu tình phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik (Nga), Tổng thống Moreno tuyên bố quyết định của ông ban hành các biện pháp khắc khổ cùng với cắt giảm trợ cấp “là kiên định”. Tổng thống Ecuador đồng thời cho biết việc áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nước này là nhằm kiểm soát "những đối tượng có ý định gây hỗn loạn".

Trước đó, người biểu tình đã rầm rộ đổ ra các đường phố tại hầu hết các thành phố lớn của Ecuador để phản đối chính phủ. Họ đã chặn các tuyến đường chính ở thủ đô Quito và Guayaquil để phản đối chính sách cắt giảm trợ cấp nhiên liệu trị giá 1,3 tỷ USD/năm - một trong các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Ecuador nhằm giảm ngân sách tài khóa.

Tổng thống Moreno đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi Bộ trưởng Nội vụ Maria Romo báo cáo về việc 19 người biểu tình bị bắt giữ vì chặn đường và những hành vi gây rối khác.

Nhà lãnh đạo Ecuador đã ký sắc lệnh chấm dứt trợ cấp giá dầu diesel và xăng dầu hôm 1/10 để tuân thủ các điều kiện cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tổ chức này cung cấp cho Ecuador gói vay tài chính trị giá 4,2 tỷ USD để đổi lấy một loạt cải cách.

Bên cạnh kế hoạch cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Ecuador còn bao gồm sa thải hàng loạt nhân viên tại các công ty nhà nước, tư nhân hóa nhà cung cấp viễn thông hàng đầu CNT do nhà nước sở hữu cùng với thay đổi mã số thuế.

Chú thích ảnh
Người biểu tình Ecuador phong tỏa các đường phố. Ảnh: Sputnik

Gói cải cách tài chính của Chính phủ Ecuador có hiệu lực từ ngày 3/10, gồm cải cách thuế và dừng chính sách trợ giá nhiên liệu vốn được áp dụng trong 40 năm qua qua. Bên cạnh đó, Chính phủ Ecuador cũng kỳ vọng gói cải cách tài chính này sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách ở mức 3,6 tỷ USD năm nay xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD trong năm 2020.

Việc chấm dứt chính sách trợ giá được cho là khiến giá nhiên liệu tăng tới 120%, dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ. Giới chức Ecuador cho biết việc ngừng trợ giá nhiên liệu là cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc và giúp chính phủ tiết kiệm khoảng 1,5 tỷ USD/năm.

Đầu tuần này, Ecuador tuyên bố rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm tăng sản lượng dầu mỏ và tăng thu nhập của nước này. Sản lượng dầu mỏ của Ecuador đang ở mức 550.000 thùng/ngày.

Kể từ khi lên cầm quyền năm 2017, Tổng thống Moreno đã khởi động các bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng thời từ bỏ đường lối của Tổng thống tiền nhiệm Rafael Correa, người thường chỉ trích Washington can thiệp vào đời sống chính trị tại Mỹ Latinh.

Video người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh tại Ecuador. (Nguồn: Sputnik)

 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC
Ecuador tuyên bố rút khỏi OPEC

Ngày 1/10, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên không tái tạo Ecuador thông báo quyết định của chính phủ nước này về việc rút lui khỏi Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kể từ ngày 1/1/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN