Việc trích xuất ước tính 880 tấn nhiên liệu và mảnh vỡ có tính phóng xạ cao bên trong nhà máy điện cũ này vẫn là phần khó khăn nhất trong quá trình ngừng hoạt động của nhà máy sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011. Mức độ phóng xạ bên trong quá cao khiến con người không thể vào nhà máy. Đầu tháng này, các kỹ sư đã bắt đầu lắp một thiết bị có thể kéo dài để cố gắng loại bỏ một mẫu nhỏ. Tuy nhiên, TEPCO đã phải dừng quy trình này sau khi nhận thấy rằng các camera từ xa trên thiết bị không truyền hình ảnh trở lại trung tâm điều khiển.
Người phát ngôn của TEPCO, ông Tatsuya Matoba cho biết: "Chúng tôi đang điều tra nguyên nhân của sự cố. Cần tìm ra nguyên nhân của sự cố trước khi tiếp tục".
Ba trong 6 lò phản ứng của Fukushima đã bị tan chảy khi sóng thần sau trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã nhấn chìm cơ sở này, gây ra một trong những vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Năm 2023, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước đã qua xử lý phóng xạ của nhà máy ra Thái Bình Dương. Dù Tokyo khẳng định việc xả thải là an toàn và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đảm bảo, nhưng Trung Quốc và Nga đã cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản.
Trong một sáng kiến của TEPCO nhằm quảng bá thực phẩm từ khu vực Fukushima, trong tháng 9, cửa hàng bách hóa Harrods ở London (Anh) đã bắt đầu bán đào được trồng ở khu vực này.