Đại dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành từ đầu năm 2020 khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới và phong tỏa, hàng triệu người phải hạn chế ra ngoài. Việc điều chế ra vaccine phòng bệnh được coi là thành tựu quan trọng giúp đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, hiện các tòa án tại Đức và một số nước đang tiếp nhận một lượng lớn đơn kiện cho rằng việc tiêm các loại vaccine được phát triển trong thời gian ngắn và được cấp phép sử dụng khẩn cấp gây ra những tác dụng phụ cho người dùng.
Tòa án ở thành phố Hamburg sẽ là nơi đầu tiên xem xét một vụ việc tương tự với vaccine Comirnaty do hãng BioNTech của nước này phối hợp với đối tác Pfizer của Mỹ phát triển. Nguyên đơn là một phụ nữ cho rằng sau khi tiêm vaccine, cô đã chịu đựng những tác dụng phụ như đau nửa người trên, mệt mỏi, kiệt sức, rối loạn giấc ngủ. Người này đòi bồi thường 150.000 euro (162.000 USD) phí tổn hại và nêu rõ sẽ cung cấp các bằng chứng kiểm tra y tế về các tác dụng phụ.
Trên toàn nước Đức có hàng trăm đơn kiện tương tự với mức yêu cầu bồi thường có thể lên tới 1 triệu euro cho mỗi nguyên đơn. Tuy nhiên, các luật sư cũng thừa nhận con đường phía trước không hề dễ dàng. Tòa án sẽ xem xét yếu tố chính là liệu những tác dụng phụ trên, kể cả khi đã dùng thuốc đúng chỉ định, có vượt quá mức có thể chập nhận được dựa theo các kết quả nghiên cứu khoa học hay không. Hay nói cách khác, theo Giáo sư Anatol Dutta của trường Đại học Munich, những tác dụng phụ phải thực sự nghiêm trọng đáng để cân nhắc thì tòa án mới tiếp tục xử lý.
Theo Viện Paul Ehrlich, các cơ sở y tế tại Đức đã thực hiện 192 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có 338.857 trường hợp thông báo các tác dụng phụ.