Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết Berlin vẫn giữ quan điểm rõ ràng rằng ưu tiên cao nhất của Đức là duy trì thỏa thuận hạt nhân, cũng như việc tất cả các bên thực hiện đầy đủ thỏa thuận này. Quan chức trên nhất mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran hiện hành, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) là kết quả của các cuộc đàm phán giữa 7 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), do đó nó không thể đàm phán lại. Bên cạnh đó, Berlin cũng muốn đảm bảo rõ rằng chương trình hạt nhân của Iran là vì mục đích hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất một thỏa thuận bổ sung để giải quyết vấn đề này, đồng thời cho rằng các bên cần phải xem xét đề xuất trên một cách cẩn thận. Theo quan chức này, vấn đề đặt ra là trong điều kiện nào thì Iran sẽ chấp nhận một tiến trình như vậy. Hiện Đức đang thảo luận vấn đề trên một cách kỹ lưỡng và mang tính xây dựng với Anh, Pháp và Mỹ.
Cùng ngày, Anh khẳng định đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Iran. Người phát ngôn Chính phủ Anh nhấn mạnh JCPOA là kết quả của 13 năm nỗ lực ngoại giao và làm việc không ngừng nghỉ. Anh thừa nhận rằng có những vấn đề mà thỏa thuận này không thể bao quát hết và các bên cần tập trung giải quyết bao gồm vấn đề tên lửa đạn đạo, tình hình sau khi thỏa thuận JCPOA hết hiệu lực và hoạt động của Iran gây ảnh hưởng đến khu vực.
Trước đó, trong bối cảnh hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra với các nước châu Âu để bổ sung những điều khoản mới cho JCPOA đang đến gần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp đã thảo luận về một "thỏa thuận mới" củng cố hơn nữa JCPOA và phù hợp với mong muốn của ông Trump. Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu sẽ chặn bất kỳ hoạt động hạt nhân nào của Iran cho đến năm 2025, cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và tạo ra điều kiện phù hợp cho giải pháp chính trị nhằm ngăn ảnh hưởng của Tehran tại Yemen, Syria, Iraq và Liban.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thể hiện sự hoài nghi với tính hợp pháp trong đề xuất trên. Theo ông, Mỹ và Pháp không có quyền và lý do gì để đưa ra quyết định cho thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1.
Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford cho biết Mỹ không theo đuổi việc đàm phán lại JCPOA, song Washington hy vọng có thể duy trì thỏa thuận này để cải thiện những thiếu sót bằng một thỏa thuận bổ sung.