Trước đó, Đức đã tạm đình chỉ quy trình tiếp nhận tự động người tị nạn do Italy không tuân thủ các thủ tục theo Hiệp ước Dublin của Liên minh châu Âu (EU), trong đó quy định người xin tị nạn phải nộp đăng ký tại quốc gia EU đầu tiên mà họ nhập cảnh. Các trường hợp có ý định đăng ký tị nạn ở một quốc gia khác đều có thể bị đưa trở lại nước đầu tiên tiếp nhận.
Theo chương trình tự nguyện tiếp nhận người tị nạn nhằm thể hiện tình đoàn kết của EU, Đức cam kết tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ các quốc gia đặc biệt gặp khó khăn ở biên giới phía Nam châu Âu, trong đó có Italy. Cho đến nay, khoảng 1.700 trường hợp (trong đó có trên 1.000 trường hợp từ Italy) đã được Đức tiếp nhận thông qua cái gọi là "cơ chế đoàn kết tự nguyện" của châu Âu để người di cư có thể hoàn tất thủ tục đăng ký tị nạn ở Đức. Ngày 13/9 vừa qua, Bộ Nội vụ Đức thông báo tạm dừng việc tiếp nhận theo cơ chế này do các quy định liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn theo thoả thuận Dublin không được tuân thủ. Cụ thể, Italy "nhiều lúc" ngừng tiếp nhận trở lại người tị nạn từ Đức theo quy định Dublin. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, đã có trên 12.400 trường hợp ở diện phải được đưa trở lại Italy, song cho tới nay mới chỉ có 10 người được xử lý.
Trong bối cảnh mỗi ngày có hàng nghìn người tị nạn tới Lampedusa những ngày qua, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới thăm thực tế hòn đảo ở Địa Trung Hải này để người đứng đầu EC có thể hiểu rõ tình hình nghiêm trọng mà Italy đang phải đối mặt. Bà kêu gọi EU giúp ngăn chặn người di cư vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi và nếu cần thiết có thể triển khai hải quân để ngăn chặn các tàu thuyền của người di cư trái phép. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến ngày 15/9 vừa qua, đã có khoảng 127.200 người di cư đến Italy bằng thuyền, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 66.200 người).