Theo EUAA, trong 6 tháng đầu năm nay, EU cùng các quốc gia liên quan gồm Thụy Sĩ và Na Uy đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn. Với xu hướng đó, dự báo trong năm nay, số lượng người xin tị nạn tại liên minh 27 quốc gia thành viên này có thể lên tới 1 triệu người, mức cao nhất kể từ giai đoạn 2015-2016, khi EU chứng kiến làn sóng người tị nạn, chủ yếu là công dân Syria rời khỏi đất nước vì xung đột tại quê nhà.
Trong năm 2015, khối này đã tiếp nhận 1,35 triệu đơn xin tị nạn. Một năm sau, con số đó là 1,25 triệu đơn. Năm 2017, số lượng người nộp đơn đã giảm sau khi EU thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế hoạt động vượt biên trái phép. Con số này thậm chí giảm đáng kể trong giai đoạn đỉnh của đại dịch COVID-19 là năm 2020 và 2021, khi các nước áp đặt hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, EUAA nêu rõ kể từ đó đến nay, số đơn xin tị nạn đang tăng trở lại. Riêng trong năm ngoái, số đơn đã tăng 53%, gây áp lực đối với nhiều quốc gia EU. Trong nhiều trường hợp, nơi ở và nguồn lực hỗ trợ trở nên hạn chế vì một số nước trong khối này đang tiếp nhận 4 triệu người tị nạn từ Ukraine.
Cũng theo EUAA, người Syria và người Afghanistan chiếm gần 25% số lượng đơn xin tị nạn tại EU kể từ đầu năm đến nay. Kế đến là người di cư tới từ Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Bangladesh và Pakistan.
EUAA cho hay Đức, quốc gia tiếp nhận hầu hết người tị nạn Syria trong năm 2015-2016, tiếp tục là điểm đến hàng đầu tại EU mà người xin tị nạn lựa chọn. Riêng trong nửa đầu năm 2023, nước này tiếp nhận tới 62% trong tổng số đơn xin tị nạn của người Syria tại EU. Trong khi đó, Tây Ban Nha là điểm đến chính của những người Venezuela xin tị nạn.
Nhìn chung, 41% số người nộp đơn được cấp quy chế tị nạn hoặc một hình thức bảo vệ khác cho phép họ ở lại. Người Syria và người Afghanistan có nhiều khả năng được cấp quy chế tị nạn hơn do tình hình xung đột trong nước, trong khi người Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng bị từ chối cao hơn.