Đức thừa nhận khó đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 vào cuối tháng này

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach ngày 13/1 thừa nhận nước này sẽ khó đạt mục tiêu đến cuối tháng này có ít nhất 80% dân số tiêm chủng ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuối năm ngoái, Chính phủ Đức đặt mục tiêu cuối tháng 1/2022 sẽ tiêm chủng được cho ít nhất 80% dân số nước này. Tuy nhiên, phát biểu với trang tin The Pioneer, Bộ trưởng Lauterbach cho biết khó đạt được mục tiêu này. Tính tới ngày 12/1, mới chỉ có 62,2 triệu người dân Đức tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19, tương đương 74,8% dân số. Giai đoạn vừa qua Đức có nhiều ngày nghỉ lễ khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh.     

Theo ông Lauterbach, tốc độ tiêm chủng của Đức vẫn có thể được đẩy mạnh trong những ngày tới từ mức trung bình 700.000 mũi/ngày như hiện nay. Bộ trưởng Lauterbach cũng bày tỏ hài lòng về chiến dịch tiêm mũi tăng cường ở Đức, song cho biết mới đạt tỷ lệ 45% và còn cách xa tỷ lệ hơn 85% ở Anh. 

Dự kiến trong ngày 13/1, Quốc hội liên bang Đức sẽ thảo luận xem xét thông qua các quy định mới về thời gian cách ly đã được chính phủ liên bang và các bang thông qua cuối tuần trước. Bộ trưởng Y tế Lauterbach nhấn mạnh dù ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc ở Đức, song Chính phủ sẽ không đề xuất Quốc hội dự thảo riêng đối với việc tiêm chủng bắt buộc.

Theo ông, Bộ Y tế cũng như Chính phủ liên bang cần có quan điểm "trung lập" trong vấn đề này. Trước đó, Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập đã lên tiếng chỉ trích chính phủ không đưa ra đề xuất và dự thảo cho kế hoạch áp đặt tiêm chủng bắt buộc ở Đức. Một số ý kiến cho rằng việc không đẩy mạnh lộ trình và có thể tới mùa Thu mới ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc sẽ là "quá muộn".

Trong khi đó, nước Đức tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao kỷ lục trong 24 giờ qua. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 81.417 ca mắc mới COVID-19, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch tới nay. Số ca tử vong tăng 316 ca.

Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày đã tăng lên 427,1/100.000 dân, tăng mạnh so với mức 285,9/100.000 dân một tuần trước đó. Số ca phải nhập viện trong 7 ngày là 3,13/100.000 dân. Tỷ lệ ca dương tính trong các xét nghiệm ở mức 22,85%. Trong số 10 địa phương có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân cao nhất ở Đức có tới 6 quận ở Berlin, trong đó cao nhất là quận Friedrichshain-Kreuzberg (1398,2), Neukölln (1248,0) và Mitte (1149,8).

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh, nhu cầu xét nghiệm cũng tăng cao đột biến ở Đức. Thiếu tướng Carsten Breuer - Trưởng Ban xử lý khủng hoảng COVID-19 của chính phủ liên bang - cảnh báo nguy cơ "tắc nghẽn" về xét nghiệm PCR trong thời gian tới.

Theo ông, Đức sẽ huy động mọi nguồn lực sẵn có, ưu tiên vật tư và thiết bị cho những nơi có nguy cơ. Ông cũng cảnh báo không được đánh giá thấp nguy cơ do biến thể Omicron gây ra, không để biến thể này ảnh hưởng tới hệ thống cơ sở hạ tầng then chốt và gây tác động tới cuộc sống hằng ngày. Ông nhấn mạnh công cụ để khống chế làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron vẫn là tiêm chủng.

Mạnh Hùng  (TTXVN)
Đức ghi nhận 80.430 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
Đức ghi nhận 80.430 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Ngày 12/1, Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 80.430 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát gần 2 năm trước đây. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN