Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, luật mới cho phép “tình trạng khẩn cấp” về đại dịch COVID-19 hết hạn vào ngày 25/11, nhưng sẽ đưa ra các biện pháp được áp đặt trên phạm vi rộng hơn để chống lại làn sóng dịch thứ tư, trong đó bao gồm việc thực hiện quy tắc “3G” tại nơi làm việc và trên các phương tiện giao thông công cộng trong cả nước.
Luật mới cũng quy định bắt buộc kiểm tra nghiêm ngặt đối với du khách và nhân viên trong các nhà dưỡng lão và viện điều dưỡng, đồng thời áp các mức phạt nghiêm khắc đối với những người sử dụng giấy chứng nhận hoặc xét nghiệm tiêm chủng giả. Tuy nhiên, luật mới không cho phép đóng cửa hàng loạt trường học và doanh nghiệp trong tương lai, hoặc các biện pháp cứng rắn khác như cấm đi lại. Thay vào đó, các hộ kinh doanh cá thể có tỷ lệ lây nhiễm đặc biệt cao sẽ phải đóng cửa, trong khi các bang cũng có thể chọn áp dụng hoặc thắt chặt các biện pháp như đeo khẩu trang bắt buộc và hạn chế tiếp xúc.
Ngoài các biện pháp được Thượng viện biểu quyết thông qua, tuần tới, Đức cũng sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với những người không được tiêm chủng. Những quy định này đã được đưa ra sau hội nghị thảo luận về dịch bệnh giữa chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang.
Theo thỏa thuận, các bang sẽ bắt buộc áp đặt quy tắc “2G” tại hầu hết các địa điểm công cộng như quán bar và nhà hàng, nếu tỷ lệ nhập viện tăng trên 3 ca/100.000 người dân. Nếu tỷ lệ này tăng lên hơn 6 ca/100.000 dân, những người đã được tiêm phòng và hồi phục sau khi mắc COVID-19 vẫn phải xuất trình kết quả xét nghiệm bổ sung trước khi vào những địa điểm như vũ trường, câu lạc bộ và quán bar, quy định này được gọi là “2G plus”.
Ngoài các quy tắc 2G và 2G plus, luật mới cũng ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc đối với các chuyên gia, nhân viên y tế và chăm sóc trong các viện dưỡng lão.
Trước đó, với 398 số phiếu ủng hộ, 254 phiếu chống và 36 phiếu trắng, Quốc hội liên bang (Hạ viện) đã nhất trí sửa đổi Luật Phòng chống lây nhiễm.