Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/6 đề cập việc Ukraine tiếp tục là quốc gia trung chuyển khí đốt sau khi dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức được hoàn tất, trong đó nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh vai trò này của Ukraine chưa được xác nhận và việc này phụ thuộc vào cách Kiev thể hiện "thiện chí" với Moskva.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Chính phủ Đức Seibert nêu rõ Berlin vẫn khẳng định vai trò quan trọng của Ukraine là một quốc gia trung chuyển khí đốt sau khi hoàn tất dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ông nhấn mạnh thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine được hình thành thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu và Đức, theo đó đã thiết lập lộ trình phối hợp và phát đi một tín hiệu quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Đức kỳ vọng thỏa thuận chung này sẽ được duy trì.
Thỏa thuận vận chuyển khí đốt theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào năm 2024 và có thể được tiếp tục gia hạn. Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở Saint Petersburg (Nga), Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine sẽ phải thể hiện “thiện chí” nếu nước này muốn tiếp tục là quốc gia trung chuyển khí đốt của Nga sang EU.
Phản ứng trước tuyên bố trên của Tổng thống Nga, chính trị gia đối ngoại của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Đức Johann Wadephul kêu gọi cần tiếp tục thực thi chương trình cung cấp khí đốt tới châu Âu mà không có điều kiện chính trị. Chính trị gia đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Nils Schmid cũng tin tưởng Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận vận chuyển khí đốt hiện hành. Dự kiến, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tới đây giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden ở Geneva, Thụy Sĩ.