Bộ trưởng Y tế Đức cho biết nước này đã đặt hàng 80 triệu liều vaccine của hãng BioNTech, loại đặc hiệu dành cho Omicron và sẽ nhận bàn giao vào tháng 4 hoặc tháng 5/2022. Đức cũng đã đặt hàng 4 triệu liều vaccine của hãng Novavax (Mỹ), mới được châu Âu cấp phép sử dụng và 11 triệu liều vaccine của hãng Valneva (Pháp) đang đợi được cấp phép. Theo kế hoạch, vaccine của Novavax sẽ được bàn giao vào tháng 1/2022.
Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường được coi là tấm khiên chắn quan trọng nhất trong phòng chống biến thể Omicron tại Đức. Ông cũng thể hiện ủng hộ chính sách tiêm phòng bắt buộc, cho rằng nếu không thực hiện chính sách này thì sẽ khó có thể ứng phó với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo trong dài hạn.
Viện Robert Koch (RKI), cơ quan đầu ngành về dịch bệnh truyền nhiễm ở Đức, dự báo biến thể Omicron sẽ trở thành biến thể gây bệnh chính tại nước này trong 3 tuần tới. Giám đốc viện RKI Lothar Wieler kêu gọi người dân giảm tiếp xúc trong dịp nghỉ lễ cuối năm để tránh tạo cơ hội cho biến thể mới hoành hành.
* Cùng ngày, Phần Lan thông báo mở rộng chương trình tiêm phòng đến nhóm tuổi từ 5-12 trong bối cảnh số ca mắc mới trong ngày liên tục lên các mức cao kỷ lục. Bộ Y tế nước này cho biết chiến dịch tiêm chủng cho nhóm trẻ trên sẽ bắt đầu ngay sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Hiện Phần Lan mới chỉ cho phép tiêm phòng COVID-19 cho những trẻ em thuộc diện dễ chịu tổn thương trong nhóm tuổi trên.
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tiêm phòng, Chính phủ Phần Lan cũng áp dụng các biện pháp hạn chế mới cho kỳ nghỉ lễ cuối năm, trong đó có hạn chế phục vụ đồ uống có cồn trong dịp Giáng sinh và Năm mới cũng như siết chặt kiểm soát biên giới. Theo đó, các quán bar tại Phần Lan sẽ không được phép phục vụ đồ uống có cồn từ lúc 21h đêm Giáng sinh, sau đó lệnh cấm các quán bar và nhà hàng bán đồ uống có cồn sau 17h hằng ngày sẽ có hiệu lực trong 3 tuần tính từ 28/12.
Chính quyền liên bang cũng sẽ đề xuất các chính quyền địa phương ban hành lệnh cấm các hoạt động tụ tập đông người như sự kiện thể thao và hòa nhạc mà không bố trí trước chỗ ngồi cho khán giả theo quy định phòng dịch, các trường đại học cũng được khuyến nghị giảng dạy từ xa.
Trong khi đó, công dân Liên minh châu Âu (EU) khi qua biên giới với Phần Lan cũng phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 kể cả đã tiêm phòng. Quy định này vốn trước đó chỉ được áp dụng với công dân ngoài EU và những vùng nguy cơ cao.
Từng là một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhất nhưng đến nay Phần Lan, với 5,5 triệu dân, đang trải qua những ngày liên tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc, với trên 23.000 ca được thông báo trong 2 tuần qua. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 221.292 ca mắc, trong đó có 1.495 ca tử vong.
* Tương tự, Thụy Điển cũng yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi vào nước này. Biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 28/12 và sẽ áp dụng với mọi người nước ngoài không phải là công dân và thường trú nhân, trên 12 tuổi, bao gồm cả những người đến từ EU và các quốc gia láng giềng vùng Bắc Âu.
Quyết định được đưa ra theo yêu cầu của Cơ quan Y tế cộng đồng Thụy Điển do lo ngại về diễn biến dịch bệnh phức tạp trên toàn thế giới, đặc biệt là tốc độ lây lan nhanh chóng biến thể Omicron.
Bảy nước thành viên EU khác là Bồ Đào Nha, Ireland, Cyprus, Latvia, Italy, Hy Lạp và Áo cũng đưa ra các biện pháp hạn chế khẩn cấp mới và yêu cầu mọi du khách châu Âu, kể cả những người đã tiêm phòng, đều phải cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 khi nhập cảnh.