Bộ Tài chính Liên bang Đức ngày 18/10 cho biết việc xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay dự kiến sẽ tiêu tốn tổng cộng 1.446 tỷ euro từ ngân sách công trong năm 2020 và 2021. Các nhóm chi tiêu bao gồm chi cho hệ thống y tế, mua sắm thiết bị vật tư y tế, các chương trình hỗ trợ và kích thích nền kinh tế, các khoản viện trợ quốc tế, cho các quỹ an sinh xã hội cũng như các khoản đảm bảo của nhà nước dưới dạng bảo lãnh, cho vay nhanh và dành cho kế hoạch của Chính phủ liên bang tham gia vào chương trình tái thiết châu Âu.
Cụ thể, trong năm 2020, Bộ Tài chính Đức dự kiến chi phí riêng cho Chính phủ liên bang là 400,4 tỷ euro. Ngân sách cho các bang và chính quyền địa phương sẽ tiêu tốn thêm 89 tỷ euro. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự báo mức chi nhiều hơn trong khi tình trạng giảm nguồn thu từ các quỹ an sinh xã hội sẽ khiến ngân sách tốn kém thêm khoảng 26,5 tỷ euro.
Trong năm 2021, Bộ Tài chính Đức dự tính ngân sách liên bang sẽ phải tiêu tốn 74 tỷ euro. Ngân sách của các bang và chính quyền địa phương cũng sẽ phải gánh thêm khoản chi 27,3 tỷ euro và 2,8 tỷ euro cho an ninh xã hội. Tổng cộng mức chi nêu trên của ngân sách là 619,9 tỷ euro. Bên cạnh đó, các khoản bảo lãnh của nhà nước cho liên bang là 756,5 tỷ euro và cho các bang là 69,8 tỷ euro.
Trong khi đó, bất chấp những chương trình cứu trợ lớn của chính phủ, đại dịch COVID-19 vẫn tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế đầu tầu châu Âu cũng như thị trường lao động của nước này. Theo dự báo của 4 viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức, gồm DIW (Berlin), Ifo (München), IfW (Kiel), IWH (Halle) và RWI (Essen), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong năm nay sẽ giảm trên 5,4% và tăng trở lại lần lượt là 4,7% và 2,7% trong năm 2021 và năm 2022.
Bộ Kinh tế Đức nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng dựa trên các đánh giá này. Chính phủ Đức hiện dự báo GDP năm 2020 giảm 5,8% và tăng trở lại 4,4% trong năm 2021. Theo các nhà kinh tế, việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng dựa trên thực tế phục hồi kinh tế diễn ra chậm hơn dự kiến, chủ yếu do không lường trước được hậu quả của đại dịch, đặc biệt liên quan tới các ngành dịch vụ. Nguyên nhân thứ hai là sự yếu kém trong hoạt động đầu tư của các công ty trước những lo ngại về tác động của đại dịch tới chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ. Theo các nhà kinh tế, phải đến cuối năm 2022 nền kinh tế Đức mới có thể trở lại các mức như trước khi dịch bệnh xảy ra.
Liên quan tới thị trường lao động, các nhà nghiên cứu kinh tế nhận định tỷ lệ thất nghiệp ở Đức sẽ đứng ở mức từ 5,5-6% trong năm nay và năm tới. Tính đến giữa năm nay đã có khoảng 820.000 việc làm bị mất do đại dịch, bất chấp các chương trình hỗ trợ người lao động, như trợ cấp làm việc theo thời gian ngắn giúp mức thu nhập của người lao động tương đối ổn định trong thời kỳ đại dịch. Với các chương trình cứu trợ ứng phó với dịch COVID-19, các nhà kinh tế dự báo thâm hụt ngân sách trong năm nay của Đức sẽ lên tới mức kỷ 183 tỷ euro, và trong hai năm tới lần lượt là 118 tỷ euro và 92 tỷ euro.