Đức báo động an ninh sau vụ tấn công tại Hanau

Sau vụ xả súng kinh hoàng ở thành phố Hanau, bang Hessen, Bộ trưởng Nội vụ LB Đức Horst Seehofer đã báo động an ninh trên cả nước, trong đó ông đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ người dân trước nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công.

Chú thích ảnh
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại thành phố Hanau, miền Tây Đức ngày 20/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu với báo giới tại Berlin ngày 21/2, Bộ trưởng Seehofer nêu rõ giới chức Đức sẽ tăng cường sự hiện diện của cảnh sát trên cả nước, đặc biệt là các khu vực nhạy cảm, đền thờ Hồi giáo, các nhà ga, sân bay và khuv vực biên giới. Cảnh sát liên bang cũng sẽ tăng cường hết sức để hỗ trợ các bang.

Đề cập vụ xả súng đẫm máu vừa qua tại Hanau, Bộ trưởng Seehofer gọi đây là hành động tấn công khủng bố với động cơ phân biệt chủng tộc và là vụ tấn công khủng bố cực đoan thứ 3 xảy ra ở Đức trong vài tháng qua. Theo ông, nguy cơ từ tình trạng cực hữu, bài Do Thái và phân biệt chủng tộc ở Đức đang ở mức rất cao. Do vậy, Bộ Nội vụ liên bang đã phối hợp với bộ nội vụ các bang về những biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ người dân. Trong ngày 21/2, Bộ trưởng Seehofer dự kiến gặp các đại diện cộng đồng tín đồ Hồi giáo và người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức để thảo luận các vấn đề an ninh.

Trước đó cùng ngày, Ủy viên về hội nhập của Chính phủ LB Đức Widmann-Mauz đã đề xuất thành lập một ủy ban chuyên trách nhằm chống nạn thù địch với người Hồi giáo ở Đức. Theo bà, Đức cần có hành động phòng ngừa và có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Đức.

Trong khi đó, tiếp tục có những ý kiến kêu gọi giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) sau vụ tấn công ở Hanau làm 10 người thiệt mạng, trong đó có tới 9 người gốc nước ngoài. 

Theo Bộ trưởng Nội vụ bang Niedersachsen, Boris Pistorius, có mối liên quan trực tiếp giữa sự lớn mạnh của đảng AfD với tình trạng gia tăng bạo lực cực đoan ở Đức. Ông cho rằng điều này là rất nguy hiểm, bởi nó kích động các đối tượng cực đoan hành động và AfD cần nhận phần trách nhiệm về việc đó. 

Chuyên gia về nội vụ của đảng Dân chủ tự do (FDP) Konstantin Kuhle yêu cầu xem xét lại chính sách an ninh quốc gia, đặc biệt cần phải thay đổi cách nhìn nhận với đảng AfD. Trong khi đó, nhà khoa học chính trị Schmitt-Beck coi sự thù hận và những phát biểu của các chính trị gia AfD chính là "bật đèn xanh" để các đối tượng cực đoan hành động.

Tổng Thư ký đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Lars Klingbeil gọi AfD là "nhánh chính trị cực hữu", đã đầu độc môi trường xã hội Đức trong những tháng năm gần đây. Theo ông, Cục Bảo vệ Hiến pháp – cơ quan tình báo nội địa của Đức, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của đảng này.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Lãnh đạo Đức lên án hành động thù hận, phân biệt chủng tộc trong vụ xả súng tại Hanau
Lãnh đạo Đức lên án hành động thù hận, phân biệt chủng tộc trong vụ xả súng tại Hanau

Sau khi xảy ra vụ xả súng làm 10 người thiệt mạng tại những địa điểm tập trung nhiều người nước ngoài ở thành phố Hanau, thuộc bang Hessen của Đức, các nhà lãnh đạo Đức ngày 20/2 đã lên tiếng bày tỏ bàng hoàng về vụ tấn công, đồng thời cực lực phản đối hành động thù hận, phân biệt chủng tộc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN