Đưa quân đội đến Port Said sau thảm kịch bạo lực sân cỏ


- Nội các và Hạ viện triệu tập cuộc họp khẩn cấp

Ngay sau khi xảy ra thảm kịch bạo lực sau một trận bóng đá làm 74 người thiệt mạng và gần 250 người bị thương tối 1/2, quân đội Ai Cập đã được huy động tới thành phố Port Said ở miền Bắc nhằm đảm bảo an ninh và ngăn chặn nguy cơ tái diễn bạo lực. Bộ Nội vụ cho biết đã bắt giữ 47 nghi can. Tổng chưởng lý của Ai Cập cũng đã ra lệnh tiến hành điều tra khẩn cấp làm rõ nguyên nhân vụ việc.


 

 

Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, cổ động viên của hai đội đã tràn xuống sân và xông vào ẩu đả. Trong ảnh: Các cổ động viên đốt pháo hiệu trong trận đấu. Ảnh: AFP/ TTXVN .



Chủ tịch Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF), Nguyên soái Hussein Tantawi cho biết tình hình an ninh tại Port Said đã trở lại bình thường. Trước đó, ông đã điều hai máy bay quân sự tới thành phố này để đưa các cầu thủ và người bị thương ra khỏi hiện trường.

Thủ tướng Kamal Ganzuri đã quyết định triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp trong ngày hôm nay 2/2 để thảo luận về "vụ Port Said". Chủ tịch Hạ viện Saad al-Katatni cũng thông báo triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hạ viện trong ngày.

Bạo lực đã bùng phát tại sân vận động Port Said khi các cổ động viên đội chủ nhà Al-Masri tràn ra sân đuổi đánh các cầu thủ đội Al-Ahly sau trận cầu thất bại trước Al-Ahly với tỷ số 1-3. Hầu hết các nạn nhân là cổ động viên đội Al-Ahly, họ bị đâm chém, bị ném đá, chai thủy tinh và pháo sáng. Nhiều cửa hàng cửa hiệu đã phải đóng cửa, các xe ô tô tư nhân cũng được huy động để đưa người bị thương tới các bệnh viện trong thành phố.

Tổ chức "Anh em Hồi giáo" (MB), lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập, đã cáo buộc những người ủng hộ cựu Tổng thống nước này Hosni Mubarak đứng sau vụ bạo lực sân cỏ nói trên. Trong một thông cáo báo chí phát trên trang mạng của Đảng Tự do và Công lý (FJP) - chính đảng của MB, nghị sỹ Essam al-Erian khẳng định: "Những diễn biến tại Port Said đã được lên kế hoạch và là thông điệp của những người ủng hộ chế độ cũ". Ông  al-Erian tuyên bố quốc hội do MB nắm đa số ghế sẽ yêu cầu Bộ Nội vụ và những người lãnh đạo cơ quan an ninh chịu hoàn toàn trách nhiệm trước sự việc trên.

Trong khi đó, các chính trị gia tại Cairô đã tỏ ra rất giận dữ trước vụ việc trên. Nghị sĩ độc lập mới đắc cử Amr Hamzawy thậm chí đề nghị sa thải Bộ trưởng Nội vụ, Thị trưởng và Cảnh sát trưởng thành phố Port Said.

Tại Giơnevơ (Thụy Sĩ), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) Sepp Blatter cho biết ông cảm thấy bị sốc và đau lòng khi biết rằng rất đông cổ động viên bóng đá đã thiệt mạng và bị thương trong "ngày đen tối của bóng đá" vừa qua, đồng thời chia buồn với gia đình các nạn nhân. Ông kêu gọi tránh để tái diễn "thảm kịch không thể tưởng tượng" này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã gọi điện chia buồn với người đồng cấp Ai Cập Mohamed Kamel Amr. Ông Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết.

Hồi tháng 9/2011, các cổ động viên bóng đá Ai Cập đã từng đụng độ với cảnh sát tại một sân vận động ở thủ đô Cairô, làm gần 80 người bị thương.


TTXVN/Tin Tức

Thảm họa bóng đá tồi tệ nhất lịch sử Ai Cập
Thảm họa bóng đá tồi tệ nhất lịch sử Ai Cập

74 người chết và hàng trăm người bị thương là hậu quả để lại sau cuộc bạo động sân cỏ ở Ai Cập vào hôm qua, khi các cổ động viên của hai đội đối thủ tràn xuống sân cỏ gây rối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN