Đây là một động thái thách thức hiếm hoi của ông đối với Tổng thống Donald Trump khi chỉ còn ba tuần nữa là đương kim Tổng thống Mỹ rời Nhà Trắng.
Ông McConnell đã hành động ngay sau khi Tổng thống Trump công kích các lãnh đạo đảng Cộng hòa trên Twitter nhằm tạo áp lực buộc Thượng viện chấp nhận nâng khoản chi cứu trợ cho các cá nhân từ 600 USD lên 2.000 USD.
Sau đó, chính ông McConnell cũng đưa ra một dự luật kết hợp giữa khoản thanh toán lớn hơn với điều khoản về bãi bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các công ty truyền thông xã hội, cũng như một cuộc điều tra kết quả bầu cử tháng 11. Một phụ tá mô tả hành động này là “động thái mang tính thủ tục” để đáp lại yêu cầu của Nhà Trắng.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, nhận định dự luật trên sẽ không bao giờ trở thành luật. Với kỳ nghỉ Tết Dương lịch sẽ bắt đầu vào thứ Sáu (1/1) và Quốc hội mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào Chủ nhật (3/1), các nhà lập pháp đương nhiệm chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để hành động.
Chứng khoán Mỹ phiên 29/12 đã đi xuống và rời khỏi mức kỷ lục được thiết lập phiên trước đó sau động thái của ông McConnell.
Sau nhiều tháng đàm phán trì trệ, Quốc hội Mỹ đã đồng ý chi thêm cho các chương trình đó trong gói chi tiêu 900 tỷ USD được thông qua chỉ vài ngày trước khi chúng hết hạn vào ngày 26/12. Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ phản đối nội dung của gói chi tiêu vì ông cho rằng khoảng thanh toán 600 USD là quá thấp và muốn nâng nó lên mức 2.000 USD. Nhưng rồi ông vẫn ký thông qua dự luật chi tiêu vào Chủ nhật tuần trước (27/12) - một ngày sau khi các chương trình hỗ trợ thất nghiệp hết hiệu lực.
Đảng Dân chủ tin rằng việc nâng khoản thanh toán có thể mang lại lợi thế cho họ trong hai cuộc bầu cử quan trọng ở bang Georgia vào tuần tới. Kết quả cuộc bầu cử sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện Mỹ lẫn số phận chương trình nghị sự của ông Joe Biden khi ông nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2021.