Dư luận tại Canada xung quanh ý tưởng 'hộ chiếu vaccine'

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, các ủy viên về quyền riêng tư của Canada (từ cấp liên bang đến cấp tỉnh/vùng lãnh thổ) cho rằng việc triển khai "hộ chiếu vaccine" có thể mang lại lợi ích đáng kể đối với cộng đồng, nhưng cần có các biện pháp để đảm bảo thông tin cá nhân của người dân được bảo vệ. Vì thế, chỉ nên áp dụng hộ chiếu vaccine sau khi đã cân nhắc, xem xét cẩn thận. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada ngày 14/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tháng 5 này, Bộ trưởng Y tế Canada Patty Hajdu cho biết chính phủ nước này ủng hộ ý tưởng "hộ chiếu vaccine" và sẽ đưa ra một hình thức chứng nhận để cho phép những người Canada đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 tham gia hoạt động đi lại quốc tế.

Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán với Mỹ về chương trình chứng chỉ xanh kỹ thuật số của châu Âu. Trong khi đó, Canada và các đồng minh thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng đang thảo luận về hướng tiếp cận chuẩn hóa cho vấn đề này. 

Ngày 13/5 vừa qua, Quebec - tỉnh có diện tích lớn nhất Canada và đứng thứ hai về dân số - bắt đầu phát hành mã QR người dân có thể tải xuống điện thoại để chứng minh đã tiêm chủng ngừa COVID-19. Bộ trưởng Y tế Quebec Christian Dubé cho biết mã QR bổ sung cho hình thức giấy chứng nhận tiêm chủng, mặc dù không phải là hộ chiếu vaccine nhưng là bước đầu tiên để triển khai một hệ thống như vậy. Quebec đang áp dụng theo các quốc gia như Israel và Đan Mạch, những nước đã cấp chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số cho người dân sử dụng để đến các sự kiện và tiếp cận các doanh nghiệp. Trong khi đó, Vương quốc Anh đang lên kế hoạch điều chỉnh ứng dụng Dịch vụ Y tế Quốc gia trên điện thoại để người dân sử dụng như một công cụ xác minh tiêm chủng và xét nghiệm kỹ thuật số.

Các ủy viên về quyền riêng tư của Canada nhấn mạnh nếu nước này áp dụng "hộ chiếu vaccine", cần thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo quyền riêng tư được bảo vệ ở mức cao nhất, để thông tin y tế cá nhân không bị tiết lộ. Hộ chiếu vaccine chỉ nên chứa thông tin cần thiết xác nhận đã tiêm chủng, chứ không nên có những thông tin sức khỏe có thể bị xâm phạm. Cần hủy bỏ "hộ chiếu vaccine" khi đại dịch kết thúc, hoặc việc xác nhận tiêm chủng không còn cần thiết nữa. Đặc biệt, các ủy viên muốn có sự giám sát độc lập đối với bất kỳ chương trình hộ chiếu vaccine nào, để người dân được biết thông tin của họ được sử dụng và lưu trữ ra sao.

Tuy nhiên, phần lớn người dân Canada tỏ ra ủng hộ việc cấp "hộ chiếu vaccine" để đi du lịch. Một cuộc thăm dò của Leger được công bố vào đầu tuần này cho thấy khoảng 8/10 người được hỏi cho biết họ ủng hộ ý tưởng áp dụng hộ chiếu vaccine để đi du lịch trong nước hoặc quốc tế. 

Tính đến ngày 19/5, khoảng 3,3% dân số Canada đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Canada hiện đứng thứ 3 trong G7 về tỷ lệ tiêm chủng, với tỷ lệ tiêm chủng 50,58 liều/100 dân, trong khi tỷ lệ này ở Vương quốc Anh (đứng đầu G7) là 84,49 liều/100 dân.

Hương Giang (TTXVN)
Mỹ xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, quốc gia nào sẽ hưởng lợi đầu tiên?
Mỹ xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19, quốc gia nào sẽ hưởng lợi đầu tiên?

Các quốc gia tại Mỹ Latinh được cho là sẽ nhận hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong một vài tuần tới khi Mỹ cam kết xuất khẩu 80 triệu liều vaccine nước này sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN