Dư luận quốc tế đánh giá cao kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Ngày 27/4, lãnh đạo thế giới và chính phủ các nước đã hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều mang tính lịch sử là một bước đi hướng tới hòa bình, song cũng bày tỏ thận trọng về các thách thức phía trước.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) nhất trí hướng tới một giải pháp hòa bình bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá đây là thông tin rất tích cực. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva đã sẵn sàng thúc đẩy hợp tác giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong các lĩnh vực đường sắt, khí đốt và năng lượng điện.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định đây là bước đi đầu tiên đáng khích lệ, song vẫn còn rất nhiều công việc phía trước.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên và tại vùng Balkan trong những ngày qua sẽ là động lực tích cực cho tất cả. Theo ông, việc biến những điều không thể thành có thể này là hoàn toàn dựa vào thiện ý và dũng khí của mỗi cá nhân.

Từ Brussels, Thủ tướng Bỉ Charles Michel khẳng định: "Sau 65 năm, thế giới của chúng ta có thể trở thành nơi an toàn hơn, mang hòa bình và ổn định tới Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của Hàn Quốc và Triều Tiên ký một thỏa thuận hoà bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên".

Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hoan nghênh việc hai miền Triều Tiên nhất trí hướng tới việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, cũng như cải thiện quan hệ song phương và giảm căng thẳng ranh giới.

Ông nhấn mạnh Anh sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế nhằm triển khai nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt hiện tại cho đến khi Triều Tiên biến các cam kết thành những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung Panmunjom, trong đó hai bên cam kết sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ: Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung trong việc xóa bỏ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn; tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm hai miền Triều Tiên và Mỹ, hoặc cơ chế đàm phán 4 bên, bao gồm thêm cả Trung Quốc, để tiến tới ký hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài. Hai bên cũng nhất trí xúc tiến cho chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng vào cuối năm nay.

Trước diễn biến tích cực này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh sự giúp đỡ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề Triều Tiên, sau khi các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng khiến căng thẳng leo thang vào năm ngoái. Trên mạng xã hội Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, tiến trình hiện nay sẽ còn kéo dài.

TTXVN/Báo Tin tức
Các chính đảng Hàn Quốc bị chia rẽ trước kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Các chính đảng Hàn Quốc bị chia rẽ trước kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 27/4, đảng Dân chủ cầm quyền theo đường lối tự do của Hàn Quốc đã gọi kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là một “tuyên bố mang tính lịch sử mở đường hướng tới hòa bình và làm dịu tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN