Người dân địa phương cho biết Triều Tiên đang muốn quảng bá hình ảnh là một đất nước yên bình và an toàn.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), lượng du khách tới Bình Nhưỡng tăng, kéo theo các điểm du lịch khác trong thành phố như nhà hàng, sở thú, các di tích lịch sử cũng thu hút một lượng lớn du khách đổ về, đóng góp phát triển cho nền kinh tế Triều Tiên.
Nhà hàng Okryu-gwan – nơi chứa được 2.000 du khách trong một lần – luôn chứng kiến cảnh khách du lịch xếp hàng dài đến để thưởng thức món mỳ lạnh truyền thống từng được phục vụ trong bữa trưa dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Lượng khách du lịch đổ về đây lên tới hơn 6.000 người mỗi ngày.
Myong Ye-hua – nhân viên làm trong nhà hàng Okryu-gwan cho biết: “Mỳ lạnh Bình Nhưỡng thu hút sự chú ý của toàn thế giới và trở thành một biểu tượng cho hòa bình và thịnh vượng. Đôi lúc chúng tôi không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho tất cả mọi người”.
Món mỳ này được đích thân đầu bếp trưởng của nhà hàng cùng các nhân viên di chuyển tới làng đình chiến Panmunjom để nấu cho hai nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4.
Đêm đến, du khách đến Bình Nhưỡng có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố về đêm trên một con tàu nhà hàng sang trọng di chuyển dọc sông Taedong. Con tàu nhà hàng Taedonggang dài 70m, nặng 820 tấn, có tổng cộng 7 phòng ăn lớn, mỗi phòng chứa được 140 khách và một sân khấu cho ban nhạc biểu diễn. Ngồi trên con tàu này, du khách có thể được ngắm nhìn những tượng đài nổi tiếng của thành phố như tượng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố Chủ tịch Kim Jong-il hay khách sạn Ryugyong hình kim tự tháp 105 tầng cao 300 m.
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chọn Triều Tiên là điểm đến du lịch trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được cải thiện.
Theo một đại diện của công ty Du lịch Quốc tế Di sản Triều Tiên tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng này, trong khi ngày trước lượng khách du lịch Trung Quốc tới Bình Nhưỡng chỉ là 100 thì giờ con số ấy đã tăng lên 1.000 kể từ tháng 5.
Một lý do đằng sau số lượng khách tăng đột biến tới Triều Tiên là do tình hình xung quanh quốc gia Đông Bắc Á này đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là sau hai lần Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó, quốc gia này đã phải chật vật để thu hút ngoại tệ trong bối cảnh các quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, trong khi ngành du lịch bùng nổ đem lại nguồn lợi cho Triều Tiên, thì một số chuyên gia chính trị lại bày tỏ lo ngại về xu hướng này. “Càng nhiều du khách nước ngoài tới Triều Tiên, thì quốc gia này càng nhận được nhiều nguồn ngoại tệ. Từ đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng không còn sức ảnh hưởng nhiều và điều này có thể trì hoãn quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”.