Đây cũng là thời điểm ngành hàng không vũ trụ phải đối mặt với tình trạng thiếu thiết bị phóng do gia tăng các dự án chùm vệ tinh. Sau đây là những dự án nổi bật mà giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào năm tới:
Ariane 6
Sau 4 năm trì hoãn do đại dịch và những khó khăn khác, tên lửa đẩy Ariane 6, mang theo hy vọng của châu Âu về năng lực tự chủ chinh phục vũ trụ, dự kiến sẽ có chuyến bay đầu tiên từ ngày 15/6- 31/7/2024. Dự án được khởi động vào năm 2014 nhằm cạnh tranh với tên lửa Falcon 9 của tập đoàn SpaceX (Mỹ). Với thiết kế dựa trên mẫu Ariane 5, chi phí sản xuất Ariane 6 chỉ bằng một nửa phiên bản tiền nhiệm nhờ phương pháp sản xuất mới. Ariane 6 có hai phiên bản, có thể mang tải trọng 11,5 tấn lên quỹ đạo địa tĩnh và 21,6 tấn vào quỹ đạo Trái Đất thấp. Theo Chủ tịch Tập đoàn Ariane, Martin Sion, sau vụ phóng, thách thức tiếp theo của doanh nghiệp này sẽ là đẩy mạnh sản lượng.
Vega C
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), tên lửa đẩy Vega C do công ty vũ trụ Avio của Italy sản xuất dự kiến sẽ được phóng vào quý IV/2024. Trước đó, tên lửa này đã bị cấm bay từ cuối tháng 12/2022 sau thất bại trong chuyến bay thương mại đầu tiên. Sự cố xảy ra do hỏng một bộ phận trong động cơ tên lửa, buộc nhà sản xuất phải thiết kế lại. Việc châu Âu không có tên lửa nhỏ chất lượng cao đã buộc ESA phải dựa vào công ty SpaceX của Mỹ để phóng một số vệ tinh khoa học và GPS.
Centaur
United Launch Alliance (ULA), công ty liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, đã phát triển tên lửa đẩy Vulcan Centaur để thay cho các mẫu tên lửa cũ như Atlas V và Delta IV. Sau những chuyến bay đầu tiên, ULA sẽ bắt đầu khôi phục và tái sử dụng các tên lửa đẩy giai đoạn đầu. Giám đốc điều hành (CEO) ULA Tory Bruno khẳng định những đổi mới này giúp Vulcan "có giá cả phải chăng hơn nhiều" so với các mẫu trước.
Vulcan Centaur có thể mang trọng tải lên tới 27,2 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái Đất, tương đương với tên lửa Falcon 9. Lần phóng đầu tiên của Vulcan Centaur dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2024. Trong sứ mệnh đầy tham vọng này, tên lửa đẩy Vulcan Centaur sẽ mang theo một tàu đổ bộ Mặt Trăng tư nhân, đây có thể là tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ đáp xuống Mặt Trăng kể từ khi kết thúc chương trình Apollo.
Trong sứ mệnh thứ hai, Vulcan Centaur sẽ mang theo tàu vũ trụ "Dream Chaser" mới của công ty Sierra Space. Vụ phóng dự kiến diễn ra vào quý II/2024. Tàu con thoi cỡ nhỏ này sẽ phụ trách tiếp tế cho Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Starship
Tập đoàn SpaceX sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa đẩy siêu lớn Starship vào năm 2024, sau khi tên lửa này nổ tung trong 2 chuyến bay đầu tiên. SpaceX lạc quan rằng các vụ nổ trong giai đoạn đầu phát triển tên lửa sẽ giúp đẩy nhanh việc lựa chọn thiết kế.
Starship là tên lửa đẩy lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo, cao 121 mét. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi quá trình phát triển tên lửa, do cơ quan này đã ký hợp đồng phát triển một phiên bản Starship làm tàu đổ bộ cho các sứ mệnh Artemis tới Mặt Trăng.
Trong chuyến bay thứ hai, hai tầng của tên lửa đã tách thành công trước khi phát nổ và không gây ra thiệt hại lớn cho bệ phóng.
Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk dự đoán lần phóng tiếp theo có thể diễn ra sau vài tuần nữa, song chuyến bay này cần được Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho phép.
New Glenn
Tập đoàn Blue Origin đã thành công đưa khách du lịch lên vũ trụ bằng tên lửa New Shepard. Doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu New Glenn - một tên lửa lớn hơn với chiều cao 98 mét, có thể mang tải trọng 45 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Con số này gấp đôi so với Falcon 9, nhưng vẫn ít hơn Falcon Heavy của SpaceX, với khả năng mang 63,8 tấn. Người phát ngôn của Blue Origin cho biết vụ phóng sẽ diễn ra trong năm 2024. Một trong những chuyến bay đầu tiên sẽ phóng tàu thăm dò EscaPADE của NASA nhằm thực hiện sứ mệnh nghiên cứu từ quyển của Sao Hỏa.
New Glenn cũng là một thành phần thiết yếu của hệ thống hạ cánh lên Mặt Trăng do NASA đặt hàng để thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng Artemis 5.