Theo Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), suy giảm tăng trưởng tại Nga sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, nhưng hệ thống tài chính của nước này đã chống chọi được với cú sốc cấm vận từ bên ngoài. Kinh tế Nga dự báo sẽ tăng trưởng âm 10% trong năm nay do cuộc chiến ở Ukraine cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây chống Moskva, gây ra kỳ suy thoái mạnh nhất tại Nga kể từ đầu những năm 1990.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2023 cũng ở quanh mức 0% và Nga sẽ phải đối diện với tăng trưởng thấp trong dài hạn. Nguyên nhân chính là bởi các nhà nhập khẩu giảm lượng mua dầu thô, khí đốt từ Nga, giới đầu tư nước ngoài từ rời khỏi thị trường Nga, trong khi một bộ phận nguồn nhân lực trẻ tuổi, được đào tạo rời khỏi Nga, định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, EBRD cũng lưu ý rằng hệ thống tài chính Nga cho đến thời điểm này đã chống chọi tương đối tốt cú sốc từ trừng phạt trả đũa của phương Tây.
“Kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng, mức sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhưng Nga đủ sức để chống chọi với cụ sốc này xét trên khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô. Tác động mà Nga sẽ phải gánh chịu là tăng trưởng ở mức 0% trong năm 2023 và rất thấp trong dài hạn”, Beata Javorcik, chuyên gia kinh tế trưởng của EBRD nêu quan điểm.
EBRD cho rằng cuộc chiến Ukraine đã gây ra “cú sốc lớn nhất về nguồn cung” kể từ thập kỉ 1970 và điều này sẽ tác động nghiêm trọng đối với các quốc gia thu nhập thấp, không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực Đông Âu. Những biện pháp Ngân hàng Trung ương Nga áp dụng sau ngày 24/2 như dâng lãi suất cao, cung cấp, hỗ trợ thanh khoản giúp ổn định hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các công ty năng lượng Nga có thể gặp khó khăn trong thanh toán khoản nợ nước ngoài, nguồn thu trên thị trường quốc tế suy giảm, tiềm ẩn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính.
EBRD cũng dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 20% trong năm nay, do bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Tăng trưởng có thể phục hồi trong năm 2023, nhưng những tổn thất về hạ tầng mà Ukraine phải gánh chịu là rất lớn, với ước tính lên đến 100 tỉ USD.