Phiên này, đồng yên đã có lúc trượt xuống tới mức 160,61 yen đổi 1 USD.
Nhà phân tích thị trường David Morrison tại công ty tư vấn tài chính Trade Nation cho biết, mặc dù trượt qua mức 160 yen đổi 1 USD, không có dấu hiệu nào cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã can thiệp để hỗ trợ đồng yên.
Theo ông, trong trường hợp này, có thể các nhà giao dịch đang cố gắng đẩy đồng yen xuống thấp hơn trong một nỗ lực mới nhằm kiểm tra quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản.
Hàng tỷ USD đã được bơm vào để hỗ trợ đồng yen khi nó chạm mức thấp nhất trong 34 năm là 160,17 yen đổi 1 USD vào cuối tháng Tư. Dù không có số liệu chi tiết hàng ngày, nhưng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đã chi khoảng 9.790 tỷ yen (61 tỷ USD) từ ngày 26/4 đến ngày 29/5 để kiềm chế đà giảm giá nhanh chóng của đồng nội tệ so với đồng USD.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi sát bất kỳ bình luận nào từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Nhiều người cho rằng BoJ đã quá thận trọng trong việc từ bỏ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình.
Thị trường dự kiến BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng tới và bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu để giúp giảm chi phí đi vay.
Trong khi đó, đồng USD được ưa chuộng nhờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao hơn 5% lâu hơn dự kiến khi các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững chắc. Về phần BoJ, tuy ngân hàng trung ương này đã tăng lãi suất vào tháng Ba nhưng lãi suất chuẩn của Nhật Bản vẫn ở mức khoảng 0%, khiến khoảng cách lãi suất giữa hai quốc gia khá lớn.
Hiện nay, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày tăng giá, phần lớn là do đồng yen yếu hơn khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang tìm cách thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giảm lạm phát.
Mức lương của Nhật Bản vốn đã thấp so với các nước phát triển khác. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD xếp thứ 25 trong số 38 quốc gia. Con số này thậm chí còn bị tụt hậu so với các quốc gia như Slovenia (Xlô-vê-ni-a) và Lithuania (Lít-va) kể từ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ.
Việc đồng yen giảm giá gần đây khiến mức lương trở nên thu hẹp hơn cho sinh viên nước ngoài. Việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề cao và các thực tập sinh kỹ thuật cho các công ty thiếu nhân lực cũng trở nên khó khăn.
Cùng với việc sức hút của Nhật Bản như một điểm đến việc làm giảm sút, những người trẻ Nhật Bản đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Chẳng hạn như Takeshi Fukumoto, đến từ tỉnh Nara, đã xin được thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ và sẽ chuyển đến Toronto, nơi anh làm việc tại bếp của một nhà hàng vào tháng 11 tới. Mức lương người này nhận được vào khoảng 22 CAD/giờ (khoảng 16 USD/giờ) và trung bình làm 40 giờ một tuần.
Các công ty lớn của Nhật Bản dự báo biến động tỷ giá hối đoái sẽ khiến lợi nhuận hoạt động giảm 266,7 tỷ yen (1,7 tỷ USD) trong năm tài chính 2024. Đây là sự đảo chiều mạnh mẽ so với mức tăng lợi nhuận nhờ đồng yen yếu trong năm tài chính trước đó.
Dự đoán lợi nhuận nói trên là từ 52 công ty trong Chỉ số 225, trong đó có nhiều nhà xuất khẩu trong các ngành như sản xuất ô tô và máy móc. Các doanh nghiệp này dự báo tổng lợi nhuận hoạt động giảm 1% xuống 16.000 tỷ yen. Dự báo này sẽ chuyển thành tăng 1% nếu không tính đến các tác động tỷ giá.
Tổng lợi nhuận của bảy công ty sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản được dự đoán giảm 115 tỷ yen do tác động tỷ giá, với giả định đồng yen sẽ dao động trung bình từ 140-145 yen đổi 1 USD. Trước đó, lợi nhuận của các hãng này đã tăng 1.150 tỷ yen trong năm tài chính trước đó.
Các nhà sản xuất máy móc cũng đưa ra dự báo đồng yen sẽ tăng giá. Komatsu dự đoán lợi nhuận hoạt động cả năm giảm 8% do đồng yên tăng giá, trong khi Hitachi Construction Machinery dự báo lợi nhuận hoạt động giảm 2%.
Nhìn chung, đồng yen yếu lại có lợi cho các doanh nghiệp niêm yết. Daiwa Securities ước tính đồng yen cứ suy yếu 1 yen so với đồng USD thì lợi nhuận trước thuế của các công ty lớn sẽ tăng 0,4%. Và sự suy yếu của đồng yen đã là một lực đẩy lớn trong hai năm qua, giúp lợi nhuận tăng tổng cộng 3.880 tỷ yen trong năm tài chính 2022 và 1.830 tỷ yen trong năm tài chính 2023.
Theo các chuyên gia, đồng yen giảm so với đồng euro mang lại tiềm năng tăng thu nhập cho các công ty Nhật Bản có doanh thu đáng kể ở châu Âu.
Makita Corp., nhà sản xuất dụng cụ điện với 46% doanh số bán hàng ghi nhận ở châu Âu, ước tính đồng nội tệ Nhật Bản mất giá 1 yen sẽ giúp tăng lợi nhuận hoạt động của công ty thêm gần 900 triệu yen.
Nhà sản xuất đồ điện tử Canon Inc. cũng ước tính rằng mức mất giá tương tự nêu trên của đồng yen sẽ giúp tăng lợi nhuận hoạt động của họ thêm 2,5 tỷ yen trong giai đoạn từ tháng 4-12/2024.
Ông Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI đánh giá ngoài việc xuất khẩu trực tiếp vào châu Âu, đồng yen yếu hơn cũng có thể giúp các công ty Nhật Bản có mức giá bán cạnh tranh hơn các đối thủ châu Âu ở thị trường bên thứ ba.
Công ty dược phẩm Shionogi & Co. Ltd. đang ghi nhận doanh số bán thuốc chống virus AIDS tăng mạnh ở châu Âu. Phần lớn doanh số bán hàng tại khu vực này của họ là ở Anh. Một phát ngôn viên của Shionogi cho biết sự mất giá hiện tại của đồng yen so với đồng euro và bảng Anh đang có tác động tích cực đến thu nhập của công ty.
Nhìn chung, đồng yen yếu cũng có lợi cho các doanh nghiệp niêm yết. Daiwa Securities ước tính tỷ giá với đồng USD cứ giảm 1 yen thì lợi nhuận trước thuế của các công ty lớn sẽ tăng 0,4%.
Sự suy yếu của đồng yen đã là một lực đẩy lớn trong hai năm qua, giúp lợi nhuận của các công ty tăng tổng cộng 3.880 tỷ yen trong năm tài chính 2022 và 1.830 tỷ yen trong năm tài chính 2023.
Bộ Tài chính Nhật Bản trước đó cho biết tài sản ròng bên ngoài của Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 471.300 tỷ yen (3.000 tỷ USD) trong năm 2023. Đây là năm tăng thứ 6 liên tiếp trong bối cảnh đồng yen yếu và các thương vụ mua bán tài sản của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài đã thúc đẩy giá trị tài sản ngoại hối của nước này gia tăng.
Nhờ đó, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị trí là chủ nợ hàng đầu thế giới. Tiếp theo là Đức với 454.800 tỷ yen và Trung Quốc với 412.700 tỷ yen tài sản ròng bên ngoài tính đến cuối năm 2023.
Đồng yen yếu cùng với việc gia tăng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã giúp Nhật Bản ghi nhận mức tăng giá trị tài sản ròng bên ngoài do chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân Nhật Bản nắm giữ lên tới 51.000 tỷ yen hàng năm.