Theo Deloitte, nếu các nước Đông Nam Á bắt đầu áp dụng các hành động để kiểm soát biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, khu vực này sẽ có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế 12.500 tỷ USD trong 50 năm tới, ngược lại có thể gây nên tổn thất 28.000 tỷ USD.
Tổng giám đốc Deloitte Philip Yuen nhấn mạnh rằng Đông Nam Á cần phải khẩn trương hành động để ngăn chặn những hủy hoại không thể xoay chuyển do biến đổi khí hậu gây nên trong 10 năm tới. Mặc dù các nền kinh tế khu vực đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề này, tuy nhiên, xuất phát từ môi trường địa lý và kinh tế đặc thù của các nước, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia vẫn đang ở trong những giai đoạn khác nhau. Muốn thay đổi quỹ đạo này, Đông Nam Á cần phải nắm chắc cửa sổ bé nhỏ này, áp dụng các chương trình hành động khí hậu, từ bỏ luận điểm chú trọng vào chi phí trước đây, chuyển sang tập trung vào tăng trưởng và thành tựu kinh tế.
Theo nghiên cứu khoa học, nếu các nước không áp dụng hành động thì đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ có thể từ 30 độ C trở lên. Mực nước biển tăng, thu hoạch lương thực giảm, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và các thách thức khác sẽ khiến cho môi trường sinh tồn và làm việc của con người càng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo cũng so sánh thiệt hại do động đất gây nên với tác động của biến đổi khí hậu, nếu các nước Đông Nam Á không áp dụng hành động để kiểm soát biến đổi khí hậu, thì thiệt hại kinh tế tương đương với việc xảy ra một trận động đất nghiêm trọng theo chu kỳ 9 tháng/lần từ đây đến cho năm 2070.
Ngược lại, nếu chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng áp dụng những hành động quyết liệt trong 10 năm tới thì sẽ giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,5 độ C vào năm 2050, giảm tối đa tác động của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới.
Theo đó, báo cáo đã đề xuất 4 giai đoạn phát triển quan trọng về cách thức ứng phó biến đổi khí hậu của Đông Nam Á trong 50 năm tới. Đầu tiên, từ nay đến năm 2030, chính phủ và doanh nghiệp các nước cần phải đưa ra quyết sách quan trọng, ban hành và mở rộng sách lược môi trường của mình, bắt đầu khử carbon; Giai đoạn 2030-2040, Đông Nam Á và các nước trên thế giới phải hoàn thành các dự án lớn và bắt tay hợp tác, thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ năng lượng; Giai đoạn 2040-2050 sẽ là bước ngoặc then chốt, toàn cầu phải nỗ lực tránh nhiệt độ tăng quá 30 độ C; Sau năm 2050, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ chuyển đổi triệt để, trở thành các nền kinh tế không phát thải, đồng thời tiếp tục phát triển.