Mỗi ngày, hàng nghìn người lao động tự do rong ruổi chiếc xe gắn máy quanh thủ đô đông đúc Hà Nội, làm đủ mọi nghề, từ xe ôm công nghệ cho đến giao thức ăn và vận chuyển hàng hóa.
Một trong số họ là anh Phong (42 tuổi), bắt đầu ca làm việc lúc 5 giờ sáng để có thể tránh giờ cao điểm. Công việc lái xe công nghệ của đòi hỏi anh phải dành ra mỗi ngày hơn 12 giờ trên đường.
Đợt nắng nóng cao điểm chưa từng thấy trong hai tháng qua bao trùm Đông Nam Á khiến công việc của anh Phong càng thêm khó khăn. Để khắc phục cái nóng trong ngày, anh đã trang bị cho mình một chiếc mũ, khăn ướt và vài chai nước – những biện pháp phòng ngừa trước nhiệt độ ban ngày được ghi nhận tăng vọt lên hơn 40 độ C.
“Nếu bị say nắng, tôi sẽ buộc phải tạm ngừng lái xe để hồi phục. Nhưng nếu thế, tôi không kiếm đủ tiền”, anh Phong chia sẻ.
Người đàn ông từ chối tiết lộ họ của mình cho biết anh mang theo một chiếc ô nhỏ để bảo vệ điện thoại, một trong những công cụ cần thiết được sử dụng khi làm tài xế xe công nghệ. Nếu điện thoại bị hỏng, anh sẽ không có khoản thu nhập. “Tôi lo pin sẽ quá nóng khi tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời”, Phong giải thích.
Ở cùng thành phố thủ đô tấp nập là công nhân vệ sinh Đinh Văn Hùng (53 tuổi). Công việc của ông là quần quật cả ngày dọn rác trên những con phố quanh quận Đống Đa.
“Không thể tránh nắng nóng, đặc biệt là vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Nhiệt độ quá cao cũng khiến rác bốc mùi khó chịu hơn, công việc vốn đã vất vả nay lại càng khó khăn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sức lao động của nhân viên dọn vệ sinh”, ông Hùng nói thêm không còn cách nào khác là vẫn phải tiếp tục công việc trong mùa Hè oi ả này.
“Tôi cố gắng làm việc vào sáng sớm hoặc chiều tối. Vào giờ nghỉ trưa, khi nhiệt độ quá cao, tôi tìm một nơi nghỉ trong con hẻm nhỏ, trải các tấm bìa các tông nằm nghỉ một lúc rồi chiều lại tiếp tục công việc”, nam nhân viên vệ sinh cho hay.
Ông Phong và ông Định nằm trong số hàng triệu tài xế, người bán hàng rong, nhân viên vệ sinh, thợ xây dựng, nông dân và những người làm việc ngoài trời trên khắp Đông Nam Á. Họ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mà các chuyên gia gọi là “đợt nắng nóng kỷ lục” của khu vực.
Những người lao động như họ là trụ cột của nhiều gia đình nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ cao nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính chất nghề nghiệp vốn đã bấp bênh của họ.
Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở khu vực Đông Nam Á, khi nhiệt độ tăng cao trước khi vào thu. Nhưng năm nay, nhiệt độ đã đạt đến mức chưa từng có trước đây ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả các điểm nóng du lịch như Thái Lan và Việt Nam.
Theo phân tích dữ liệu thời tiết của nhà khí hậu học và nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan đã ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C vào ngày 15/4, trong khi nước láng giềng Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong hai ngày liên tiếp vào tháng 5. Nhiệt độ kỷ lục mọi thời đại của Việt Nam cũng đã bị phá vỡ vào đầu tháng 5 với 44,2 độ C.
Chuyên gia Herrera dự đoán “đợt nắng nóng không hồi kết khắc nghiệt nhất” kéo dài sang tháng 6. Vào ngày 1/6, Việt Nam đã phá kỷ lục về ngày tháng 6 nóng nhất trong lịch sử với 43,8 độ C khi còn 29 ngày mới hết tháng.
Trong một báo cáo gần đây của World Weather Attribution (WWA), một liên minh các nhà khoa học quốc tế cho biết đợt nắng nóng ở Đông Nam Á hồi tháng 4 là sự kiện “200 năm mới xảy ra một lần” và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu.
Cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á thậm chí còn trở nên khó chịu và nguy hiểm hơn do độ ẩm cao. Độ ẩm gây ra tình trạng cực kỳ khó chịu và biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Độ ẩm, cùng với nhiệt độ khắc nghiệt, khiến cơ thể con người khó có thể tự điều chỉnh hạ nhiệt và từ đó có thể gây chết người. Các bệnh liên quan đến nhiệt, chẳng hạn như say nắng và kiệt sức vì nóng, có các triệu chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tim và các vấn đề về thận, tiểu đường hay người mang thai.
“Khi độ ẩm và nhiệt xung quanh cao, cơ thể sẽ tiếp tục đổ mồ hôi để tự làm mát, nhưng do mồ hôi không bay hơi được nên cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng. Trong trường hợp cấp tính có thể dẫn đến say nắng và tử vong. Đó là lý do tại sao một đợt nắng nóng ẩm ướt nguy hiểm hơn một đợt nắng nóng khô”, Mariam Zachariah, cộng tác viên nghiên cứu về phân bổ gần thời gian thực cho các sự kiện cực đoan đối với biến đổi khí hậu tại sáng kiến Phân bổ thời tiết thế giới tại Đại học Hoàng gia London, giải thích.
Phân tích của CNN về dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho thấy từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả 6 quốc gia ở phần lục địa Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ hơn 40 độ C mỗi ngày, vượt ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.
Ở Thái Lan, 20 ngày trong tháng 4 và ít nhất 10 ngày trong tháng 5 đạt nhiệt độ gần như trên 46 độ C. Mức nhiệt này bị coi là đe dọa tính mạng đối với bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đã quen với nhiệt độ cực ẩm.
Trong suốt tháng 4 và tháng 5, Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia đều có vài ngày trải qua tình trạng nắng nóng cực độ.
Theo báo cáo của World Weather Attribution, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á đã gây ra tình trạng nhập viện trên diện rộng, làm hư hỏng đường xá, gây ra hỏa hoạn và khiến trường học phải đóng cửa.
Nghiên cứu cho thấy, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ cảm nhận được nóng hơn 2 độ so với nhiệt độ có thể xảy ra nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo nghiên cứu, nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên 2 độ C, những đợt nóng ẩm cực đoan như trên có thể xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần. Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng với tốc độ tương tự, 20 năm tới, chúng ta có thể chứng kiến thêm 30 ca tử vong trên một triệu người do nắng nóng ở Thái Lan hay thêm 130 ca tử vong trên một triệu người vào cuối thế kỷ này.
Các đợt sóng nhiệt khốc liệt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người mà còn đe dọa môi trường và sinh kế của người dân, làm chất lượng không khí xấu đi, phá hoại mùa màng, tăng nguy cơ cháy rừng và phá hủy cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, các kế hoạch hành động của chính phủ đối với các đợt nắng nóng là rất quan trọng.
Tại các làng Yotpieng và Phon ở Đông Bắc Lào, sinh kế của người dân có mối liên hệ mật thiết với điều kiện thời tiết.
Cuộc sống của dân làng nơi đây xoay quanh cây chè. Trong nhiều thế kỷ, mỗi ngày vào lúc 7 giờ sáng, nông dân trồng chè bắt đầu thu hái lá, cho đến 11 giờ sáng là kết thúc công việc.
Nhưng nắng nóng gay gắt năm nay đang cản trở thói quen làm việc đã có từ bao đời này của những người trong làng. Người dân phải thay đổi từ làm việc từ sáng sang chiều tối trong những đợt nắng nóng.
“Thời tiết năm nay cực kỳ khắc nghiệt đối với tất cả mọi người và nông dân đang gặp khó khăn. Lá chè nhanh khô hơn vì nhiệt độ tăng cao”, Chintanaphone Keovichith, quan chức quản lý của Mạng lưới Nông dân Lào, chia sẻ.
Hiện tại, người nông dân trồng chè ở Lào đã phát minh ra các giải pháp để bảo vệ cây của họ. Một số đã trồng các loại cây ăn quả lớn, chẳng hạn như đào hoặc mận, để tạo bóng mát cho các đồn điền chè, trong khi những người khác bón thêm phân hữu cơ để nuôi cây.
“Những cây chè trong bóng râm sẽ có lá xanh đẹp, nhưng những cây không có bóng râm sẽ có lá vàng. Chúng tôi cũng kiếm thêm thu nhập bằng cách bán các sản phẩm trái cây”, nông dân trồng chè Thongsouk giải thích.
Nhưng những người nông dân này không thể chống chọi với thời tiết một mình về lâu dài.
Nếu không có cách tiếp cận toàn diện để nhanh chóng giảm ô nhiễm do hành tinh nóng lên và giải quyết các tác động liên kết với nhau của các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với cá nhân, cộng đồng và môi trường, thì chi phí kinh tế và sức khỏe do sóng nhiệt sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng khí hậu diễn ra.
Khi tháng 5 chuyển sang tháng 6, nhiều người vẫn đang chờ đợi khoảng sóng nhiệt “nghỉ ngơi”.
“Tháng 5 là tháng nóng nhất trong năm, sau đó là mưa sẽ đến. Nhưng năm nay, mùa mưa vẫn chưa thấy đâu”, quan chức Chintanaphone nói.