Nắng nóng ‘thiêu đốt’ miền nam Trung Quốc, gây áp lực lên mạng lưới điện

Vừa trải qua tháng 5 với thời tiết oi ả, miền Nam và miền Đông Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt với những đợt nắng nóng kéo dài, dự kiến tiếp diễn trong nhiều tuần tới. Sóng nhiệt đã đẩy nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng vọt, gây áp lực lên mạng lưới điện ở nhiều thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Dẫn nguồn cơ quan dự báo thời tiết quốc gia ngày 2/6, hãng tin Reuters cho biết trong 3 ngày tới, phần lớn miền Nam Trung Quốc sẽ phải hứng chịu nhiệt độ trên 35 độ C, với nền nhiệt ở một số khu vực sẽ vượt mức 40 độ C.

Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Á, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt đã bủa vây Trung Quốc trong những tuần gần đây. Hôm 29/5, Thượng Hải đã trải qua một ngày trong tháng 5 nóng kỷ lục trong vòng 100 năm qua, với mức nhiệt 40,2 độ C. Các tỉnh miền Nam cũng hứng chịu cái nóng gay gắt, gây áp lực lớn đến lưới điện khi nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng vọt ở các hộ gia đình, trung tâm thương mại và công nghiệp.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Sarah Perkins-Kirkpatrick, nhà khoa học khí hậu của Đại học New South Wales, bình luận: “Tôi không ngạc nhiên khi hiện tượng thời tiết này xảy ra và đang trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cách thức chúng diễn ra – tuần này qua tuần khác, lần lượt phá vỡ kỷ lục nhiệt độ - là điều đáng lưu ý”.

Chú thích ảnh
Người dân mặc áo chống nắng trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhu cầu sử dụng điện ở các trung tâm sản xuất phía Nam đã tăng lên trong những ngày gần đây. China Southern Power Grid - một trong hai nhà điều hành lưới điện của Trung Quốc - chứng kiến mức tải điện cao nhất vượt 200 triệu kilowatt - sớm hơn nhiều tuần so với thông thường và gần đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Trong những ngày gần đây, lần đầu tiên phụ tải điện ở Hải Nam đã tăng trên 7 triệu kW và cũng đạt mức cao kỷ lục ở Quảng Tây. Con số này dự kiến tăng gấp đôi, và sẽ tiếp tục tăng ở các tỉnh phía Nam khác.

Chú thích ảnh
Công nhân nhà điều hành lưới điện China Southern Power Grid kiểm tra dây cáp điện kết nối các tháp truyền tải ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trong cuộc họp báo ngày 2/6, ông Gao Rong, Phó giám đốc Trung tâm Khí hậu Quốc gia, cho biết nhiệt độ ở Trung Quốc trong tháng này sẽ tương tự với một năm trước. Tuy nhiên, ở các vùng đồng bằng sông Dương Tử - bao gồm Thượng Hải, cũng như các vùng phía Tây Nam Trung Quốc - như Tứ Xuyên và Vân Nam, nền nhiệt sẽ cao hơn 1 đến 2 độ C.

Mùa hè năm 2022, nhiệt độ kỷ lục ở Trung Quốc đã buộc các nhà chức trách phải kêu gọi người dân hạn chế sử dụng điện. Sản lượng thủy điện cũng bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.

Chú thích ảnh
Người dân mặc áo chống nắng trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, thời tiết đối lưu mạnh mẽ cũng đã tàn phá miền Trung Trung Quốc trong những tuần gần đây. Những trận mưa như trút nước kéo dài và thậm chí cả mưa đá, đã tàn phá vụ thu hoạch lúa mì đang diễn ra của nước này. Tại tỉnh Hà Nam, được mệnh danh là vựa lúa của Trung Quốc, mưa vừa đến mưa to dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra cho đến ít nhất là ngày 4/6.

Chú thích ảnh
Người dân tắm mát ở một con kênh vào một ngày nóng nực ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, Pakistan và nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng đã trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng, gây hư hại nặng nề về cơ sở vật chất và làm gia tăng số ca đột quỵ do nắng nóng.

Bangladesh cũng trải qua đợt nóng nhất trong 50 năm qua, trong khi Thái Lan ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 45 độ C. Kỷ lục về nhiệt độ tiếp tục được ghi nhận trong tháng 5 khi đây là tháng nóng nhất của Singapore trong 40 năm qua.

Ông Chaya Vaddhanaphuti - nhà khoa học thuộc Đại học Chiang Mai (Thái Lan) - nhận định đợt nắng nóng hồi tháng 4 xảy ra do biến đổi khí hậu cao gấp 30 lần, và đợt nắng nóng hiện nay dường như cũng chịu tác động của cùng yếu tố.

Ấn Độ và nhiều quốc gia đã triển khai một số biện pháp để giải quyết những nguy cơ đối với sức khỏe của người dân do nhiệt độ tăng cao, như mở “phòng mát” công cộng và đưa ra quy định hạn chế đối với công việc ngoài trời.

Nhưng nhà khoa học Vaddhanaphuti cho rằng chính phủ các nước cần lập kế hoạch tốt hơn, đặc biệt là để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương hơn.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tuần trước, các nhà khoa học cảnh báo có tới 2 tỷ người sẽ phải hứng chịu nắng nóng cực đoan nếu đà tăng nhiệt độ Trái Đất duy trì như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trung bình 2,7 độ C trong thế kỷ này. Trong đó, Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Vì sao người châu Âu nói không với 'điều hòa' dù trời nắng nóng
Vì sao người châu Âu nói không với 'điều hòa' dù trời nắng nóng

Bất chấp nhiệt độ mùa hè tăng cao, có khi lên đến 40 độ C, nhưng chỉ có 1/10 hộ gia đình ở EU, khu vực thịnh vượng bậc nhất thế giới, lắp máy điều hòa không khí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN