Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng Fox News, Tướng Mazloum Abdi, chỉ huy Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết binh sĩ của ông đang canh gác khoảng 45.000 chiến binh IS và thành viên gia đình của họ tại các trại tập trung và nhà tù ở miền Đông Syria. Tuy nhiên, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan tiếp tục tấn công lực lượng người Kurd, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian đã khiến tình hình càng trở nên phức tạp.
Ông Mazloum Abdi nói: "Chúng tôi vẫn đang bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và SNA - phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tấn công liên tục. Mỗi ngày chúng tôi phải hứng chịu 80 cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Có rất nhiều đạn pháo hạng nặng. Tình hình này đã làm tê liệt hoạt động chống khủng bố của chúng tôi".
Các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào SDF đã gia tăng kể từ khi Tổng thống Bashar Al Assad sụp đổ vào ngày 8/12. Tướng Mazloum cảnh báo rằng nếu các chiến binh người Kurd của ông phải chạy trốn, lực lượng khủng bố IS sẽ quay trở lại.
Ông Mazloum cho biết một nửa số binh lính của mình đang canh gác các trại tập trung IS đã phải rút lui trong những ngày gần đây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn từ căn cứ tại miền Đông Syria, ông nói: "Tất cả các nhà tù vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Tuy nhiên, các nhà tù và trại tập trung đang trong tình trạng nguy cấp vì ai đang canh gác chúng? Họ đang rời đi và phải bảo vệ gia đình họ. Tôi có thể ví dụ như nhà tù IS Raqqa, nơi giam giữ khoảng 1.000 cựu binh IS. Số lượng lính canh ở đó đã giảm đi một nửa khiến họ rơi vào tình thế mong manh".
Đây được xem là một lời cảnh báo từ một trong những đồng minh trung thành của Mỹ. Đến nay, Mỹ có khoảng 900 quân đồn trú ở miền Đông Syria và có thể sẽ phải tiến hành rút quân nếu các chiến binh người Kurd rời bỏ trước cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này luôn coi lực lượng người Kurd là mối đe dọa khủng bố và xác định “không đội trời chung’.
Video quân đội Thổ Nhĩ Kỹ tấn công lực lượng người Kurd tại Syria. Nguồn: Reuters.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 12/12, Cố vấn Truyền thông an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: "Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Vì vậy, chúng tôi đang liên lạc rất chặt chẽ với các đối tác SDF của mình để cố gắng duy trì sự tập trung vào các nhiệm vụ chống IS. Và chúng tôi cũng giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ của mình".
Trong ngày 13/12, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cũng đang có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Recep Erdogan nhằm thảo luận về cách mang lại sự ổn định cho Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã thông báo nội dung sau cuộc cuộc họp với Tổng thống Erdogan. Theo đó, Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại tầm quan trọng của tất cả các bên liên quan tại Syria cần phải tôn trọng nhân quyền, duy trì quy tắc nhân đạo quốc tế và thực hiện mọi biện pháp khả thi để bảo vệ thường dân, bao gồm cả các thành viên của các nhóm thiểu số. Ông Blinken cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo liên minh có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình là đánh bại IS.
Tổng Tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ (CENTCOM), Tướng Erik Kurilla đã gặp Tướng Mazloum và lực lượng SDF tại Syria trong ngày 10/12 - chỉ 2 ngày sau khi quân đội Mỹ thực hiện các cuộc không kích rộng khắp nhắm vào hàng chục vị trí của IS ở miền Đông Syria. Theo thông báo của CENTCOM, trong chiến dịch này, lực lượng không quân Mỹ đã sử dụng máy bay B-52, F-15 và A-10 tấn công hơn 75 mục tiêu của IS.
Ông Kurilla nói: "Không nên nghi ngờ gì nữa – chúng tôi sẽ không cho phép IS tái lập và lợi dụng tình hình hiện tại ở Syria. Tất cả các tổ chức ở Syria nên biết rằng chúng tôi sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm nếu họ hợp tác hoặc hỗ trợ IS theo bất kỳ cách nào".
Vào ngày 11/12, chỉ huy lực lượng SDF tuyên bố ngừng bắn với lực lượng đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở phía Bắc Manbij sau khi Mỹ làm trung gian với mục đích "để đảm bảo an toàn và an ninh cho dân thường". Tướng Mazloum nói thêm: "Các chiến binh của Hội đồng quân sự Manbij, những người đã đáp trả các cuộc tấn công kể từ ngày 27/11, sẽ rút khỏi khu vực này càng sớm càng tốt".
Theo nhiều thông tin được tiết lộ, lệnh ngừng bắn đã được các bên thống nhất thực hiện vào cuối ngày 12/12 tại Aleppo và Deir Ezzor, phía Nam Raqqa dọc theo sông Euphrates. Tuy nhiên, Tướng Mazloum lo ngại về tình hình nếu Mỹ rút quân khỏi Syria ngay lúc này. Ông nói: "Chúng tôi thấy rằng người Nga – họ không còn cơ hội nào nữa ở đất nước này – cũng như người Iran. Vì vậy, nếu bây giờ quân đội Mỹ rút khỏi Syria thì điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống".
Ông cho biết thêm: "Chúng tôi hy vọng những người Hồi giáo, các phe phái khác nhau sẽ đoàn kết lại, chiến đấu với IS và điều đó sẽ đưa những kẻ cực đoan và các tổ chức khủng bố trở lại đất nước." Chỉ huy SDF lo ngại một cuộc nội chiến đẫm máu khác có thể nổ ra nếu chính phủ Syria mới ở Damascus không bao gồm các nhóm thiểu số khác nhau, trong đó có người Kurd ở Syria.
Trao đổi với Fox News, thủ lĩnh SDF cho rằng: "Vì vậy, bất kỳ chính phủ mới nào ở Syria cũng cần phải mang tính đại diện, cần phải bao gồm và bao gồm tất cả các đảng phái khác nhau của Syria. Vì vậy, nếu không, điều đó sẽ đưa chúng ta đến một cuộc nội chiến đẫm máu trong nước và điều đó sẽ đưa chúng ta vào giai đoạn leo thang lớn mà không ai có thể dự đoán được số phận của điều đó".