Trận động đất có độ lớn 5,6 xảy ra ở vùng viễn Tây của đất nước thuộc dãy Himalaya với chấn tiêu nằm ở độ sâu 18 km. Tình trạng rung lắc có thể cảm nhận được ở tận thủ đô New Delhi của Ấn Độ, cách tâm chấn gần 500 km. Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Karnali Gopal Chandra Bhattarai cho biết số người thiệt mạng đã lên tới 119 người và ít nhất 100 người bị thương. Ông cho biết lực lượng an ninh Nepal đã được triển khai rộng khắp để hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Hiện lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Các video và hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy lực lượng cứu hộ và người dân địa phương đang nỗ lực đào bới trong bóng tối để kéo những người sống sót ra khỏi đống đổ nát.
Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội X, Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal đã bày tỏ đau buồn trước những thiệt hại về người và tài sản trong trận động đất nói trên. Ông đồng thời ra lệnh cho các cơ quan an ninh triển khai các hoạt động cứu hộ và cứu trợ ngay lập tức.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất. Nepal nằm ở một khu vực nơi khối lục địa Ấn Độ và lục địa Á-Âu va chạm với nhau. Khi khối lục địa Ấn Độ chậm chạp tiến về khối phục địa Á-Âu, nó tạo ra hiện tượng mà các nhà địa chất gọi là đứt gãy nghịch (thrust fault). Trong đứt gãy nghịch, một mảng lục địa sẽ bị dồn lên trên mảng kia. Thông qua tiến trình này mà dãy Himalaya hùng vĩ đã hình thành. Tuy nhiên hiện tượng đứt gãy nghịch cũng tạo nên nguy cơ xảy ra các trận động đất rất lớn.
Năm 2015, trận động đất có độ lớn 7,8 đã làm rung chuyển quốc gia này, cướp đi sinh mạng gần 9.000 người và khiến hơn 22.000 người bị thương, đồng thời phá hủy hơn 500.000 ngôi nhà. Thảm họa cũng làm hư hại và phá hủy gần 8.000 trường học, khiến gần 1 triệu trẻ em không thể đến trường.