Đúng như lo ngại, ngày 14/3, lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 tại tỉnh Fukushima (cách thủ đô Tôkyô khoảng 300 km về phía bắc) đã rung chuyển vì một vụ nổ tương tự như vụ nổ ở lò phản ứng số 1. Trong khi đó, những con số về thương vong, thiệt hại tiếp tục tăng lên nhanh chóng sau thảm hoạ “3 trong 1” : Động đất, núi lửa và rò rỉ hạt nhân.
Lượng phóng xạ ở mức cho phép
Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (JNISA) đã xác nhận vụ nổ tại lò phản ứng số 3. Tuy nhiên, vỏ bọc lò phản ứng không bị vỡ và không gây ra sự rò rỉ lớn về phóng xạ. Theo Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản (NISA), hệ thống làm lạnh của lò phản ứng số 3 trước đó đã ngừng hoạt động.
Vụ nổ lò phản ứng số 3 tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ngày 14/3. Ảnh AFP chụp qua truyền hình NHK |
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 14/3 cho biết, lượng phóng xạ tại khu vực Nhà máy Fukushima 1 sau vụ nổ tại lò phản ứng số 3 "ở mức bình thường".
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano xác nhận, nguyên nhân vụ nổ tại lò phản ứng số 3 là do nổ khí hyđrô, đồng thời khẳng định không có sự gia tăng bất thường về mức phóng xạ gần nhà máy và bác bỏ lo ngại rằng lượng phóng xạ tại đây có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.
Trong khi đó, một chuyên gia an toàn hạt nhân Ucraina là ông Mikhail Bondarkov - Giám đốc Trung tâm Chernobyl về các vấn đề an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ và sinh thái phóng xạ - đã bác bỏ khả năng về một “thảm họa Chernobyl” tại Nhật Bản, do các vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Hãng thông tấn ITAR-TASS của Nga dẫn lời ông Bondarkov cho biết, ở Nhật Bản không thể xảy ra sự cố giống như ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, bởi vì ở đó có thiết kế khác và đơn giản là không có gì có thể cháy được - ở đó chỉ có nước và urani.
Theo ông Bondarkov, các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã cho thấy mức độ an toàn cao, tuy nhiên vẫn cần được hiện đại hóa. Ông cho rằng "nếu ở Nhật Bản có hơn 50 tổ máy, nhưng vấn đề chỉ xuất hiện tại một nhà máy, thì thiết kế là an toàn".
Tuy nhiên, các vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 vẫn khiến nhiều quốc gia khác trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân lo ngại. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 14/3 đã ra lệnh cho Bộ Năng lượng nguyên tử và các cơ quan có liên quan kiểm tra an toàn toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân của nước này để đảm bảo các nhà máy có thể trụ vững trước những thảm họa thiên nhiên lớn như động đất, sóng thần. Các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần rút ra bài học từ thảm họa rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản và tăng cường an toàn cho các nhà máy năng lượng hạt nhân. Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU, ông Guenther Oettinger, dự định tổ chức một cuộc họp trong vài ngày tới để thảo luận các bài học từ sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra toàn diện các tiêu chuẩn về an toàn của 17 nhà máy điện hạt nhân tại nước này.
TTCK chao đảo
Trận động đất mạnh 9 độ Richter gây ra sóng thần đã khiến TTCK Nhật Bản ngày 14/3 sụt giảm mạnh. Chỉ số Nikkei giảm tới 6,18%, mức giảm lớn nhất trong 1 ngày kể từ tháng 10/2008. Sau phiên này, Nikkei không còn giữ được mức trên 10.000 điểm mà chỉ còn 9.620,49 điểm. Trong đợt giao dịch đầu tiên, đã có 4,8 tỷ cổ phiếu đã được trao đổi - con số cao nhất kể từ Thế Chiến II. Chỉ số Topix còn thê thảm hơn khi mất 7,49% giá trị. Cổ phiếu của Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO, đơn vị điều hành của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1) giảm gần 24% giá trị. Cổ phiếu các hãng sản xuất ô tô như Toyota, Nissan có lúc mất hơn 10% giá trị.
Các chỉ số CK Nhật Bản phiên 14/3 tụt dốc thê thảm. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng tin Reuters cho biết, sàn giao dịch chứng khoán Tôkyô đã mất 287 tỷ USD khi các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến làn sóng bán ra ồ ạt là lo ngại sẽ có thêm dư chấn sau động đất và rò rỉ hạt nhân sẽ nghiêm trọng hơn.
Đến 22 giờ 30 (giờ VN), các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ lúc đầu phiên và châu Âu lúc giữa phiên cũng đi xuống do ảnh hưởng từ trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản, tuy nhiên mức độ giảm ít hơn nhiều so với các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản, chỉ trong khoảng 0,2 – 0,6%.
Trong bối cảnh chứng khoán lao dốc, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã phản ứng nhanh chóng bằng cách bơm một số tiền kỷ lục 184 tỷ USD vào thị trường tài chính, đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ. Đây là lần bơm tiền lớn nhất từ trước đến giờ của BoJ. Ngoài ra, các thành viên BoJ quyết định tăng gấp đôi quy mô chương trình mua tài sản, như trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ. Tổng cộng, giá trị chương trình này đã tăng lên 40.000 tỷ yên. BoJ cũng giữ nguyên lãi suất thấp gần bằng 0.
Trong khi đó, theo những ước tính ban đầu của công ty phân tích nguy cơ tài chính AIR Worldwide, các tài sản được bảo hiểm ở Nhật Bản bị phá hủy sau trận động đất trị giá khoảng 14,5 - 34,6 tỷ USD. Đó là chưa tính các tài sản bị thiệt hại do sóng thần. Một số nhà phân tích khác ước tính, thiệt hại chỉ riêng ở khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp là khoảng 171 - 183 tỷ USD. Nền kinh tế Nhật Bản có nguy cơ lại rơi vào suy thoái.
Phát hiện thêm 2.000 xác chết
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin, đã có thêm 2.000 xác chết được tìm thấy ở hai thành phố ven biển ở tỉnh Miyagi, nâng tổng số người chết lên 3.800. Trong đó, có 1.000 xác chết dọc bờ biển ở bán đảo Ojika và 1.000 xác chết được tìm thấy ở thành phố Minamisanriku - nơi mà chính quyền mất liên lạc với khoảng 10.000 dân.
Người dân trú tạm tại một trung tâm sơ tán ở Sendai, tỉnh Miyagi ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh "thương tích" đầy mình, Nhật Bản đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn với rất nhiều thành phố, làng mạc bị xóa khỏi bản đồ sau cơn đại hồng thủy. Chính quyền khu vực Morioka đã cho dựng 57 nơi ở tạm để người dân lánh nạn. Ước tính có khoảng 3.200 người đã trú chân tại các lều tạm này.
Hàng triệu người khác tiếp tục trải qua đêm thứ tư đói khát và không được sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh. Ông Hajime Sato, một quan chức chính quyền quận Iwate, cho biết người dân đang sống nhờ chút nước và đồ ăn được tiếp tế. Tỉnh Iwate nhận được thực phẩm và đồ dùng nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Trong khi đó, các nước tiếp tục tích cực chia sẻ khó khăn với Nhật Bản. Ít nhất 50 quốc gia và khu vực đã cam kết hỗ trợ công tác cứu trợ. Hơn 70 đội cứu hộ chuyên trách từ khắp nơi trên thế giới đã đến Nhật Bản.
Minh Dương (tổng hợp)
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản thiết lập kênh thông tin hỗ trợ liên lạc
Nhằm thông báo kịp thời cho các gia đình có người thân sống tại Nhật Bản, đặc biệt tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngày 13/3 thông báo đã thiết lập kênh thông tin hỗ trợ các gia đình trong nước liên hệ tìm hiểu tình hình.
Theo Đại sứ quán, các nhóm thực tập sinh, lưu học sinh mà Đại sứ quán liên hệ được hiện đang được chính quyền các địa phương, cơ quan, tổ chức cứu hộ đưa đến tạm trú tại các địa điểm an toàn, cung cấp tiện nghi sinh hoạt. Cho đến nay chưa có trường hợp công dân Việt Nam nào thương vong. Tuy nhiên, do hệ thống thông tin liên lạc ở Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề sau động đất nên thông tin có thể chưa đầy đủ, một số trường hợp còn chưa liên hệ được.
Các gia đình có người thân tại Nhật Bản chưa nhận được thông tin của người thân có thể liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản theo địa chỉ sau:
1. Thư điện tử: vnembassyjp@gmail.com 2. Các số điện thoại: - Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản: 0081.3.3466.3313 - Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản: 0081.3.3466.4324 - Bộ phận quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản: 0081.3.6868.7512
TTG |
Tất cả sinh viên Việt Nam ở Đại học Tohoku đều an toàn
Theo đài NHK của Nhật Bản, tất cả sinh viên Việt Nam ở Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, thuộc tỉnh Miyagi đều an toàn.
Bùi Phi Anh, một sinh viên trường đại học Tohoku, cho biết toàn bộ sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở trường Đại học này đều an toàn và đã liên lạc được với nhau. Hiện nay, các sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đại học Tohoku đang tạm trú tại một trung tâm lánh nạn khẩn cấp và được cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và nhu yếu phẩm. Tại Sendai vẫn chưa có điện và khí đốt nhưng dự kiến sẽ được cung cấp lại trong 2-3 ngày tới.
Theo thông tin từ Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA), hiện người Việt Nam ở thành phố Sendai đang tập trung thành 3 nhóm. Nhóm 1 có 15 người, trong đó có 2 em nhỏ, lánh nạn tại Hachiman. Nhóm 2 có 9 người, trong đó có 1 em nhỏ, lánh nạn tại khu trường học Kawauchi. Nhóm 3 có khoảng 11 người, chủ yếu là sinh viên Đông Du, ở gần trường tiếng Nhật ga Sendai. Tình hình cuộc sống đang dần phục hồi. Thức ăn nước uống có đủ.
TTG |