Động đất rung chuyển Trung Quốc, chạy đua tìm người sống sót

Trận động đất có độ lớn 6,2 với độ sâu chấn tiêu 10 km xảy ra vào đêm 18/12 tại tỉnh Cam Túc, miền Tây Bắc Trung Quốc đã khiến ít nhất 131 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và gần 155.000 ngôi nhà bị hư hại.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ thực hiện công tác cứu nạn tại thành phố Hải Đông, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) sau trận động đất ở tỉnh lân cận Cam Túc, ngày 19/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trận động đất nghiêm trọng nhất trong 9 năm

Tâm chấn nằm ở thị trấn Liugou, cách huyện Tích Thạch Sơn thuộc châu Lâm Hạ của tỉnh Cam Túc khoảng 8 km. Theo hãng thông tấn Tân Hoa, trận động đất đã gây thiệt hại đáng kể về tài sản, nhiều ngôi nhà bị sập và người dân phải chạy ra đường trong đêm khuy lạnh giá để đảm bảo an toàn.

Tính đến sáng 20/12, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin 113 người đã thiệt mạng và 536 người bị thương ở Cam Túc. Trong khi đó, tại Thanh Hải, 18 người thiệt mạng và 198 người bị thương. Đây là trận động đất gây thiệt hại về sinh mạng nhiều nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2014 khi một trận động đất cướp đi sinh mạng 617 người và tàn phá tỉnh Vân Nam.

Trận động đất xảy ra ở khu vực miền núi biên giới giữa tỉnh Cam Túc và Thanh Hải - một khu vực bị ảnh hưởng của nhiều đới đứt gãy nên động đất thường xuyên xảy ra. Cam Túc có dân số khoảng 26 triệu người và đứng thứ 27/31 thành phố của Trung Quốc về thu nhập GDP theo dữ liệu vào năm 2022.

Phân tích sơ bộ cho thấy trận động đất đêm 18/12 là một dạng đứt gãy đảo ngược điển hình. Chính quyền Cam Túc cho biết vẫn có khả năng xảy ra dư chấn mạnh tại khu vực xảy ra động đất. Dựa trên các đặc tính như cấu trúc khu vực, hoạt động địa chấn lịch sử và loại chuỗi động đất của trận động đất này, phân tích tổng hợp cho thấy, khu vực xảy ra động đất vẫn có khả năng xảy ra dư chấn có độ lớn 5 trong những ngày gần đây.

Theo CCTV, có ít nhất 32 dư chấn trong một giờ sau khi trận động đất xảy ra. Tổng cộng có 9 cơn dư chấn có độ lớn từ 3 trở lên đã được ghi nhận vào sáng 19/12 và hai trong số đó có độ lớn ít nhất là 4.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Chú thích ảnh
Chuyển người bị thương trong động đất tới bệnh viện ở thành phố Hải Đông, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc ngày 19/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Sau thiên tai này, Chính phủ Trung Quốc đã ban bố cấp độ ứng phó thứ hai trong bốn cấp độ ứng phó khẩn cấp. Cấp thứ nhất là cấp độ cao nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi "nỗ lực toàn diện" trong hoạt động tìm kiếm và cứu trợ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ông đã chỉ thị chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác cứu hộ, cứu nạn và điều trị kịp thời cho những người bị thương nhằm giảm thiểu thương vong, đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình động đất và diễn biến thời tiết để đề phòng thiên tai thứ cấp. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng yêu cầu phân phối hàng cứu trợ cho các khu vực vùng thiên tai sớm nhất có thể, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và sắp xếp chỗ ở tạm thời cho những người bị ảnh hưởng.

Quốc vụ viện Trung Quốc có nhiệm vụ cử một nhóm công tác đến các khu vực bị ảnh hưởng để hướng dẫn công tác cứu trợ. Các lực lượng chức năng khác cũng được chỉ thị hợp tác với các chính quyền địa phương để triển khai công tác cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thiên tai, đồng thời nỗ lực tối đa đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.

Khoảng 2.200 nhân viên từ sở cứu hỏa tỉnh Cam Túc và 900 nhân viên từ lực lượng lâm nghiệp, cũng như 260 nhân viên cứu hộ khẩn cấp chuyên nghiệp đã được điều động đến vùng thảm họa. Gần 14.700 học sinh và giáo viên từ tất cả 15 trường nội trú ở huyện Tích Thạch Sơn đã được sơ tán an toàn.

Theo truyền thông nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Quản lý Tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc đã phân bổ 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 28,18 triệu USD) vào quỹ cứu trợ khẩn cấp của hai tỉnh các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải. Giới chức tỉnh Cam Túc cũng đã phân bổ 20 triệu nhân dân tệ (68,8 tỷ đồng) cho chính quyền địa phương huyện Tích Thạch Sơn để ứng phó khẩn cấp, cũng như gửi vật tư bao gồm 2.600 lều bông, 5.000 áo khoác, 10.400 giường gấp, 10.400 chăn ấm, 10.400 nệm bông và 1.000 bộ bếp nấu. Tính đến ngày 20/12, tổng cộng khoảng 135.500 vật dụng cứu trợ đã được chuyển tới các chính quyền địa phương để hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của những người bị ảnh hưởng do động đất.

Một số nước cũng ngay lập tức bày tỏ sự đoàn kết và sẵn sàng hộ trợ Trung Quốc trong quá trình khắc phục hậu quả trận động đất. Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin, Moskva sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả của trận động đất thông qua Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga nếu phía Trung Quốc cần. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng gửi thông điệp chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong trận động đất và tuyên bố Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho phía Trung Quốc.

Chạy đua với giá lạnh

Chú thích ảnh
Người dân ảnh hưởng bởi động đất nhận thức ăn cứu trợ tại khu lều tạm ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày 19/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Tân Hoa, do khu vực xảy ra thảm họa nằm ở vùng cao, có thời tiết giá lạnh nên các nỗ lực cứu hộ đang được thực hiện một cách khẩn trương và mạnh mẽ nhằm ngăn chặn một thảm họa thứ cấp do các yếu tố ngoài trận động đất gây ra.

Nhiệt độ xuống dưới âm độ C và những con đường bị hư hại do trận động đất hoặc ngập trong tuyết đã trở thành những thách thức chính cho các hoạt động cứu hộ. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ đêm ngày 19/12 đã giảm xuống mức thấp nhất là -13 độ C.

Mặc dù 72 giờ sau trận động đất là thời gian có nhiều hy vọng nhất để giải cứu những người sống sót, nhưng thời gian trong lần thảm họa này đang bị rút ngắn do thời tiết khắc nghiệt, buộc những nạn nhân bị mắc kẹt phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Tỉnh Cam Túc đã huy động 33 xe cứu thương và 1 đội gồm 173 nhân viên y tế đến các khu vực bị ảnh hưởng của động đất. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hải huy động 68 xe cứu thương và hơn 40 chuyên gia tham gia công tác cứu hộ.

Ngoài ra, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã cử một nhóm chuyên gia y tế đến những khu vực bị ảnh hưởng và điều phối các đội y tế khẩn cấp từ các khu vực khác như Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Ninh Hạ, để góp phần nỗ lực cứu hộ ở cả hai tỉnh gặp thảm họa. Theo ủy ban này, tính đến 6h30 sáng 19/12, hơn 300 người bị thương đã được đưa đi điều trị.

Trận động đất cũng phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng như hệ thống nước, điện, giao thông, thông tin liên lạc và gây ra lở đất ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, một đập thủy điện lớn cách tâm chấn 50 km không bị ảnh hưởng bởi trận động đất. CCTV đưa tin con đập trên thượng nguồn sông Hoàng Hà vẫn hoạt động bình thường.

Tại một ngôi làng ở Thanh Hải, trận động đất đã gây ra lở đất khiến nhiều ngôi nhà bị phù sa màu nâu bao phủ một nửa. Lực lượng cứu hộ đã triển khai máy bay không người lái, máy xúc và máy ủi để tìm kiếm và giải cứu những người sống sót.

Các chuyên gia chỉ ra địa điểm xảy ra động đất nằm ở nơi chịu sự chi phối bởi các đới đứt gãy, động đất gây ra các vụ lở đất, lở núi và xảy ra vào giữa mùa đông là 3 nguyên nhân 3 khiến trận động đất ở Cam Túc có sức tàn phá nặng nề hơn so với những trận động đất cùng cường độ.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Động đất tại Trung Quốc: Chuyển thêm nhiều hàng cứu trợ tới vùng thảm họa
Động đất tại Trung Quốc: Chuyển thêm nhiều hàng cứu trợ tới vùng thảm họa

Ngày 20/12, Bộ Quản lý khẩn cấp Trung Quốc thông báo đã phân phối thêm nhiều hàng hóa cứu trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của động đất là Cam Túc và Thanh Hải, ở miền Tây Bắc nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN