Động đất kinh hoàng tại Myanmar: Sự kiện gây rung chuyển Đông Nam Á

Ngày 28/3, trận động đất dữ dội mạnh 7,7 độ không chỉ khiến miền Trung Myanmar rung chuyển mà còn lan truyền những cơn địa chấn mạnh mẽ đến khắp các vùng đất rộng lớn của Đông Nam Á, gây ra sự tàn phá kéo dài hàng trăm km.

Chú thích ảnh
Toà nhà bị phá huỷ trong trận động đất kinh hoàng ở Mandalay, Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Nguyên nhân và tác động

Trận động đất xảy ra vào khoảng 12h50 ngày 28/3 (theo giờ địa phương) gần thành phố Mandalay, miền Trung Myanmar. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cường độ trận động đất được ghi nhận là 7,7 - một mức độ rất mạnh, đủ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư. Sau trận động đất chính, khoảng 12 phút sau, một dư chấn mạnh cường độ 6,4 lại tiếp tục làm rung chuyển khu vực.

Đây là một trong những thảm họa tự nhiên lớn nhất tại khu vực trong nhiều năm qua. Không chỉ Myanmar, mà các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam cũng cảm nhận được sức mạnh của trận động đất này.

Cấu trúc địa chất tại Myanmar, nằm ở điểm giao giữa các mảng kiến tạo, là nguyên nhân chính dẫn đến những trận động đất mạnh như vậy. Trận động đất đã xảy ra trên Đứt gãy Sagaing, một vết nứt lớn trong lớp vỏ Trái Đất, nơi hai mảng kiến tạo di chuyển theo hướng ngược nhau. Sự va chạm và chuyển động liên tục của các mảng này đã tạo ra một lượng năng lượng khổng lồ, giải phóng dưới dạng động đất mạnh.

Nhà địa chấn học James Jackson, tại Đại học Cambridge ở Anh, mô tả trận động đất tại Myanmar ngày 28/3 giống như “một con dao lớn cắt vào Trái Đất”. Trong khi đó, nhà địa chất Jess Phoenix cho biết trận động đất này đã giải phóng năng lượng tương đương hơn 300 vụ nổ bom nguyên tử và các dư chấn có thể tiếp tục làm rung chuyển khu vực.

“Sức mạnh mà một trận động đất như thế này giải phóng ra tương đương khoảng 334 quả bom nguyên tử”, bà Phoenix nói và cảnh báo rằng các dư chấn có thể kéo dài trong vài tháng, do mảng kiến tạo Ấn Độ tiếp tục va chạm với mảng Á-Âu bên dưới Myanmar.

Điều đáng chú ý là trận động đất này xảy ra gần bề mặt Trái Đất, chỉ cách mặt đất khoảng 9,6km, gây ra mức độ tàn phá mạnh mẽ hơn. Theo các nhà khoa học, những trận động đất có độ sâu nông như vậy sẽ gây thiệt hại lớn, đặc biệt khi xảy ra ở khu vực đông dân cư như thành phố Mandalay, nơi có khoảng 1,2 triệu người sinh sống.

Thiệt hại khủng khiếp

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường tòa nhà ở Bangkok, Thái Lan đổ sập do ảnh hưởng của động đất tại Myanmar ngày 29/3/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trận động đất đã gây thiệt hại nặng nề cho Myanmar. Do cường độ mạnh và độ sâu chấn tiêu nông, động đất đã làm sập hàng trăm tòa nhà, gây hư hại nghiêm trọng cho các cơ sở hạ tầng như sân bay, đường xá và các công trình dân dụng.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiều ngày 1/4 đưa tin số người thiệt mạng trong vụ động đất ở Myanmar đã lên tới 2.719 người, ngoài ra có hơn 4.520 người bị thương và trên 400 người vẫn đang mất tích.

CCTV dẫn lời người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết, số thương vong sẽ còn tăng lên và có khả năng vượt mốc 3.000 người. Tuy nhiên, USGS còn đưa ra ước tính rằng số người tử vong có thể vượt mốc 10.000 người.

Chú thích ảnh
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Không chỉ gây tác động ở Myanmar, nước láng giềng Thái Lan cũng cảm nhận rõ sức mạnh kinh hoàng của trận động đất, đặc biệt là ở Bangkok, nơi một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng ở thành phố này đã đổ sập. Chiều ngày 1/4, các nhóm cứu hộ ước tính có khoảng 70 thi thể còn nằm dưới tòa nhà bị sập. Hiện tại, số người thiệt mạng do động đất tại Thái Lan đã lên tới 20 người, trong đó 13 trường hợp liên quan trực tiếp đến vụ sập tòa nhà này. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà. Tuy nhiên, sau 4 ngày kể từ trận động đất, hy vọng tìm thấy người sống sót ngày càng mong manh.

Tại Trung Quốc, các khu vực biên giới với Myanmar như tỉnh Vân Nam cũng bị ảnh hưởng. Các tòa nhà tại thành phố Ruili bị hư hại, mặc dù không có báo cáo về thương vong nghiêm trọng.

Các quốc gia khác như Lào, Bangladesh, và Việt Nam cũng cảm nhận được dư chấn, tuy nhiên thiệt hại chủ yếu là về vật chất và không có thông tin về thương vong.

Công tác ứng phó và cứu trợ

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ chuyển người sống sót sau động đất tại Mandalay, Myanmar ngày 31/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngay sau khi trận động đất xảy ra, chính quyền Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực và kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng triển khai các hoạt động cứu trợ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28/3 đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và huy động trung tâm hậu cần ở Dubai để chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa động đất tại Myanmar.

Liên hợp quốc đang thu thập thông tin về số người bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại cơ sở hạ tầng và nhu cầu cứu trợ cấp thiết để hướng dẫn công tác ứng phó, đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi động đất. Ngày 28/3, tổ chức này đã chi 5 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp Trung ương (CERF) để hỗ trợ Myanmar, đồng thời đánh giá thêm nhu cầu cứu trợ và điều phối phản ứng nhân đạo.

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tại hiện trường động đất ở Mandalay, Myanmar ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi động đất xảy ra, ASEAN đã ngay lập tức triển khai nhiều cơ chế, biện pháp hỗ trợ ban đầu, trong đó có việc kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp, cử đội chuyên gia tới Myanmar để trực tiếp đánh giá tình hình và sẵn sàng các mặt hàng viện trợ thiết yếu từ các kho dự trữ trong khu vực để chuyển tới Myanmar.

Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cử lực lượng, phương tiện tới giúp Chính phủ và nhân dân Myanmar.

Ngày 29/3, Trung Quốc đã gửi đội cứu hộ gồm 82 người tới Myanmar. Ngoài ra, một đội cứu hộ khác gồm 37 người từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có mặt tại Yangon, mang theo thiết bị y tế và máy dò dấu hiệu sự sống.

Nga đã điều 3 máy bay chở lực lượng cứu hộ, bác sĩ và một bệnh viện lưu động đến Myanmar. Lực lượng cứu hộ còn mang theo đội chó nghiệp vụ chuyên tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát.

Ấn Độ triển khai hàng trăm nhân viên y tế và cứu hộ sang hỗ trợ Myanmar. Tối 29/3, Ấn Độ cử một nhóm gồm 80 nhân viên Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) sang Myanmar.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ viện trợ cho Myanmar sau khi có cuộc thảo luận với các quan chức nước này.

Bài học từ thảm họa

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN

Trận động đất ngày 28/3 là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự mong manh của thiên nhiên và tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai.

Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, nằm trong Vành đai lửa Thái Bình Dương, một trong những khu vực dễ xảy ra động đất và núi lửa nhất trên thế giới. Các quốc gia trong khu vực cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối phó với những thảm họa tự nhiên tương tự.

Bài học từ thảm họa lần này cũng là lời nhắc nhở về sự quan trọng của việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, đào tạo nhân lực cứu hộ, và xây dựng cơ sở hạ tầng chịu được động đất. Chính quyền và người dân cần làm việc chặt chẽ để giảm thiểu thiệt hại và ứng phó hiệu quả khi thảm họa xảy ra.

Có thể thấy, trận động đất này không chỉ là một thảm họa tột cùng đối với Myanmar, mà còn là phép thử khắc nghiệt đối với tinh thần đoàn kết và khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế. Giữa những nỗi đau thương và mất mát, ánh sáng của tình người vẫn bừng lên, khi các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới đã giang rộng vòng tay cùng vượt qua khó khăn, ngày đêm thắp lên hy vọng giữa những đổ nát.

Với tinh thần sẻ chia và đoàn kết, 106 cán bộ, chiến sĩ thuộc 2 đoàn công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã nhanh chóng lên đường tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Myanmar vào ngày 30/3. Từng bộ phận và cá nhân thuộc lực lượng cứu hộ của Việt Nam đã quán triệt, triển khai làm tốt công tác chuẩn bị với khí thế quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong cuộc đua với thời gian, lực lượng cứu hộ Việt Nam đã nỗ lực hết mình, tìm kiếm và cứu sống nhiều nạn nhân mắc kẹt trong đống đổ nát, kịp thời hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Công tác cứu trợ hiện vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, trong khi số nạn nhân có thể vẫn tiếp tục gia tăng.

Việc cử lực lượng sang Myanmar tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam; đồng thời thể hiện, khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của Việt Nam trong hội nhập, quan hệ quốc tế và hợp tác quốc tế.

Hải Vân (Tổng hợp)
Động đất tại Myanmar: Thái Lan đẩy mạnh điều tra các dự án xây dựng
Động đất tại Myanmar: Thái Lan đẩy mạnh điều tra các dự án xây dựng

Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh điều tra các dự án khác có liên quan đến nhà thầu tham gia xây dựng tòa nhà Văn phòng Kiểm toán Nhà nước (SAO) bị sập ở Bangkok do ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra tại Myanmar chiều 28/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN