Giới chức tại các tỉnh Bokeo và Xayaboury (Bắc Lào) đã cho tất cả các lớp học mẫu giáo trên địa bàn của hai tỉnh tạm thời nghỉ học do nồng độ bụi mịn trong không khí quá cao. Chính quyền tại huyện Thaphabat, tỉnh Bolikhamxay (Trung Lào) cũng yêu cầu tất cả các trường học tại địa bàn đóng cửa tạm thời từ ngày 28 - 31/3 vì lý do trên.
Không chỉ ngành giáo dục, ô nhiễm không khí cũng bắt đầu có tác động tới ngành du lịch tại Lào. Tại các khu du lịch nổi tiếng như Di sản thế giới Luang Prabang, đã có hiện tượng du khách hủy đặt phòng hoặc rút ngắn thời gian tham quan do lo ngại bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Một số chuyến bay đến khu vực Bắc Lào đã bị hoãn hoặc hủy do ô nhiễm không khí.
Công viên quốc gia Phu Chi Fa ở phía Bắc tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) cũng phải tạm thời đóng cửa do các đám cháy từ Lào lan sang. Trước đó, tỉnh Nong Khai (Đông Bắc Thái Lan) tiếp giáp thủ đô Viêng Chăn của Lào cũng phải triển khai phun nước để giảm bớt ô nhiễm. Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan vừa yêu cầu các nước láng giềng, đặc biệt là Myanmar và Lào, hợp tác để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực.
Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này, Bộ Y tế Lào đã khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là thai phụ, trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp mãn tính. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước và đồ uống có muối khoáng, lập tức tới bệnh viện kiểm tra nếu có các triệu chứng bất thường về sức khỏe.
Đối phó với tình hình ô nhiễm nghiêm trọng nhiều nơi trên cả nước, trong đó có cả thủ đô Viêng Chăn, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã yêu cầu các cấp chính quyền trung ương và địa phương nhanh chóng kiểm soát và dập tắt các đám cháy rừng; đề nghị các bộ ngành liên quan hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nền kinh tế và ngành du lịch.