Đòn trừng phạt vẫn lơ lửng trên đầu Iran

Bất chấp việc thỏa thuận đột phá lịch sử về chương trình hạt nhân Iran đã được các bên kí kết tại Thụy Sĩ, một số nghị sĩ Mỹ vẫn không ngừng hối thúc quốc hội nước này đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn và sẽ được áp dụng ngay khi Iran có dấu hiệu không tôn trọng thỏa thuận trên.


Người Mỹ hoài nghi


Dù đã đặt bút ký thỏa thuận, dù hồ hởi sau thành công đầu tiên trong gần chục năm qua, nhưng nhiều quan chức Mỹ, từ các nghị sĩ quốc hội cho đến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 24/11 vẫn có những bình luận tỏ ý không tin Iran.

Một quầy bán rau củ trên đường phố Tehran. Kinh tế Iran những năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp trừng phạt. Ảnh:AFP


Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố: “Thỏa thuận tạm thời này đã và sẽ tiếp tục bị nhìn nhận bằng rất nhiều hoài nghi và câu hỏi cứng rắn”. Ông Boehner cũng kêu gọi chính quyền Mỹ duy trì trừng phạt chống Iran.


Sự hoài nghi của ông Boehner được một nhóm nghị sĩ Mỹ chia sẻ. Họ muốn chính quyền Mỹ phải làm thế nào để duy trì áp lực với Iran, buộc nước này phải làm được nhiều hơn thỏa thuận và bắt đầu tháo dỡ các cơ sở hạ tầng hiện có trong chương trình hạt nhân. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mark Kirt tuyên bố: “Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với đồng nghiệp để đưa ra một dự luật của cả hai đảng theo đó áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế mới ngặt nghèo nếu Iran phá thỏa thuận tạm thời”.


Mặc dù vẫn đe dọa thắt chặt các biện pháp trừng phạt đang có hiệu lực nhưng quốc hội Mỹ đã thống nhất sẽ không phá hỏng khung thời gian 6 tháng của thỏa thuận.


Trong khi đó, chỉ vài giờ sau khi đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhấn mạnh: Ông không mang theo ảo tưởng nào và niềm tin không phải là một trong nhiều nhân tố được cân nhắc trong thỏa thuận lịch sử này. Phát biểu trên chương trình “Face The Nation” của kênh CBS, ông Kerry nói: “Không có gì được xây dựng dựa trên niềm tin cả. Chúng ta không ngồi đây mà giả vờ rằng Iran đột nhiên thay đổi. Chúng ta phải chứng minh điều đó”.


Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Kerry cũng đã thống nhất ngay từ đầu là nước Mỹ sẽ chỉ hành động dựa trên sự xác minh, chứ không phải niềm tin. Tuy nhiên, dù bị gây áp lực từ quốc hội, ông Obama đã cảnh báo các nghị sĩ rằng giờ không phải lúc áp đặt biện pháp trừng phạt mới và một hành động như vậy có thể làm chệch hướng nỗ lực ngoại giao.


Trấn an Israel


Sau khi thỏa thuận tạm thời với Iran bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu coi là “sai lầm lịch sử”, Tổng thống Obama ngày 24/11 đã điện đàm trấn an ông này. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện về thỏa thuận bị coi là tăng nguy cơ gây căng thẳng giữa Mỹ và đồng minh Israel.


Trước đó, Ngoại trưởng Kerry cũng phát biểu trên kênh CNN rằng ông biết Israel đang bị những gì đang diễn ra ở Iran đe dọa nhưng tin chắc trong vòng 6 tháng tới, Israel sẽ an toàn hơn trước kia.


Israel và nhiều nước phương Tây lo ngại chương trình phát triển hạt nhân của Iran có động cơ phát triển vũ khí, trong khi Iran bác bỏ cáo buộc và khẳng định chỉ dùng hạt nhân vào mục đích dân sự.


Theo thỏa thuận đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực HĐBA và Đức) sau bốn ngày đàm phán liên tục tại Geneva, Iran chấp nhận hạn chế phát triển hạt nhân trong 6 tháng tới để được quốc tế giảm nhẹ trừng phạt. Thỏa thuận tạm thời và sơ bộ này là bước đầu tiên đặt nền tảng cho một thỏa thuận lâu dài.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN