Theo kênh CNN, hòn đảo này được phát hiện vào đúng Giáng sinh năm 1643 nên được đặt tên là đảo Giáng sinh. Đảo Giáng sinh là thiên đường rừng rậm rộng 134km2, nằm ở Ấn Độ Dương, cách Perth (Australia) khoảng 3,5 giờ bay về phía Tây Bắc. Nhưng về mặt địa lý, “viên ngọc” xa xôi này lại nằm gần Indonesia hơn lục địa Australia. Chỉ có khoảng 1.700 cư dân sinh sống trên đảo.
Đảo Giáng sinh có rạn san hô phát triển mạnh và 250 loài đặc hữu. Một người dân trên đảo tên là Sook Yee Lai cho biết: “Chúng tôi có thể làm nhiều hoạt động như bơi lặn, lướt sóng, thám hiểm hang động và đi bộ xuyên rừng để đi chơi trên những bãi biển ít người biết”.
Mặc dù cộng đồng trên đảo Giáng sinh rất nhỏ nhưng rất sôi động và đa dạng. Khoảng 22% cư dân có nguồn gốc Trung Quốc, 17% người Australia, 16,1% người Malaysia, 12,5% người Anh và 3,8% người Indonesia. Nghĩa là người ta thường nghe thấy nhiều ngôn ngữ hàng ngày, từ tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Mã Lai, tiếng Quảng Đông, tiếng Mân Nam và cho tới tiếng Tagalog.
Vào cuối tháng 12 ở đảo Giáng sinh, thời tiết lúc thì nắng đẹp lúc thì mưa lớn và loài cua đang vào mùa di cư. Năm nay, cộng đồng trên đảo đã trang trí bùng binh trung tâm gần vịnh bằng đèn Giáng sinh và tuần lộc.
Họ tổ chức cuộc thi Rock Riders Lolly Run, trong đó mọi người hóa trang thành ông già Noel và đi xe Postie để phân phát túi quà cho trẻ em. Postie là những chiếc xe máy Honda màu đỏ thường được những người đưa thư sử dụng để đưa thư ở Australia và New Zealand.
Nhiều người đi du lịch nước ngoài để thăm gia đình trong những ngày nghỉ lễ, còn những người ở lại tận hưởng thiên nhiên yên tĩnh trong mùa Giáng sinh.
Lauren Taylor, một người chuyển từ Tây Australia lên đảo Giáng sinh để làm việc, cho biết: “Những ngày nghỉ lễ, chúng tôi sẽ dành thời gian trên thuyền để bơi cùng những con cá nhám voi tìm ăn cua con”.
Taylor cũng thường dành ngày 25/12 trên bãi biển cùng gia đình và tham gia Lễ Giáng sinh của trẻ mồ côi trên đảo. Đây là bữa trưa cộng đồng tại thủ phủ đảo là Flying Fish Cove.
Là nơi hội tụ hài hòa giữa Phật giáo, Nho giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo, Giáng sinh chỉ là một trong nhiều ngày lễ phi thế tục được cả cộng đồng tổ chức.
Lai cho biết: “Hồi giáo là một tôn giáo phổ biến trên đảo Giáng sinh, Phật giáo cũng vậy, vì vậy chúng tôi có chùa chiền trên khắp hòn đảo. Ngoài ra, còn có một nhà thờ Công giáo và Tin lành. Mọi người đều có quyền tự do thờ phụng và tổ chức các lễ”.
Vì hòn đảo này là nơi sinh sống của nhiều người gốc Hoa nên Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Vu Lan cũng là những lễ kỷ niệm quan trọng. Trên thực tế, đảo Giáng sinh là nơi duy nhất ở Australia coi Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ.
Tinh thần hỗ trợ và hòa nhập tôn giáo là một trong những tài sản quý giá nhất của hòn đảo. Một người dân tên Clarke cho biết: “Tất cả chúng tôi sống hòa thuận với nhau, tổ chức các lễ kỷ niệm văn hóa của nhau, tổ chức đám cưới và sinh nhật trên toàn hòn đảo. Nếu ai đó bị bệnh, cả hòn đảo sẽ cùng nhau giúp đỡ. Mọi người đều đau buồn khi có ai đó qua đời, hoặc ngay cả khi một gia đình rời đảo, bạn cũng có cảm giác như chính người trong gia đình mình rời đi vậy”.