Đòn giáng đầu tiên của Trung Quốc lên các công ty chip Mỹ

Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào một công ty bán dẫn của Mỹ.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm của Micron tại Trung Quốc sẽ bị điều tra. Ảnh: Reuters

Một cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đang tiến hành cuộc điều tra an ninh mạng đối với các sản phẩm của tập đoàn sản xuất chip khổng lồ của Mỹ là Micron Technology tại Trung Quốc để "bảo vệ an ninh quốc gia".

Động thái này báo hiệu gia tăng căng thẳng trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), trong một thông báo ngày 31/3, Cơ quan Đánh giá An ninh Mạng thuộc Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết đây là cuộc điều tra đầu tiên của cơ quan này nhắm vào một công ty nước ngoài. Mục đích của cuộc điều tra là nhằm bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và ngăn ngừa rủi ro an ninh không gian mạng do các sản phẩm có vấn đề.

Đây cũng là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu vào một công ty bán dẫn của Mỹ trong bối cảnh Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm và thiết bị chip tiên tiến sang Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia.

Vào tháng 7/2021, CAC - cơ quan có quyền lực nhất trong bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin và Internet của Trung Quốc - đã điều tra gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing và sau đó là đưa ra hình phạt 8 tỷ nhân dân tệ (1,16 tỷ USD).

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ quan này chưa bao giờ mở một cuộc điều tra về các sản phẩm và dịch vụ của một công ty công nghệ nước ngoài.

Trong một vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Micron và Trung Quốc không mấy thuận lợi trong khi các nhà sản xuất chip nội địa đang mở rộng hoạt động.

Theo TrendForce, thị trường bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM), sản phẩm chính của Micron chiếm gần 3/4 doanh số bán hàng của hãng, đang dư cung trên toàn cầu. Giá DRAM trung bình giảm 20% trong quý I của năm 2023 so với quý trước.

Trung Quốc chiếm hơn 10% tổng doanh số bán hàng. Một trong những khách hàng lớn của Micron tại Trung Quốc là Thâm Quyến Long Sys. Công ty này đã mua số chip trị giá 3,1 tỷ nhân dân tệ từ Micron vào năm 2021.

Tuy nhiên, Micron đã bị chính phủ Trung Quốc ngày càng để ý vì công ty được coi là lực lượng vận động hành lang chính đằng sau các động thái của chính phủ Mỹ nhằm trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc hồi năm ngoái.

Fujian Jinhua Integrated Circuit - một nhà máy sản xuất bộ nhớ thuộc sở hữu nhà nước ở Phúc Kiến -đã bị Mỹ cáo buộc ăn cắp công nghệ của Micron. Điều này đã khiến công ty bị Mỹ trừng phạt và ngưng sản xuất.

Trước đây, Micron từng cảnh báo về những rủi ro bị loại khỏi thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính thường niên năm 2021, công ty nói với các nhà đầu tư rằng sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất DRAM trong nước có thể hạn chế tăng trưởng của Micron.

"Chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế chúng tôi tham gia vào thị trường Trung Quốc hoặc có thể ngăn cản chúng tôi cạnh tranh hiệu quả với các công ty trong nước”, báo cáo nêu rõ.

Năm 2022, Micron đã đóng cửa chương trình thiết kế DRAM tại Thượng Hải và chuyển một số trong số 150 kỹ sư Trung Quốc sang Mỹ và Ấn Độ.

Tuần này, Micron báo cáo doanh thu trong quý đầu tiên năm 2023 giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Micron cũng dự báo rằng doanh thu sẽ giảm gần 60% trong quý II.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Những cú lừa ngày Cá tháng Tư chấn động trong lịch sử
Những cú lừa ngày Cá tháng Tư chấn động trong lịch sử

Cho dù đó là một trò đùa tinh nghịch hay một câu chuyện gây sốc, nhiều người trong chúng ta vẫn dính vào một cú lừa nào đó trong ngày Cá tháng Tư (1/4).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN