Trích dẫn hai nguồn tin, hãng tin Reuters ngày 27/11 cho biết một số thành viên trong đội ngũ của ông Trump nhận thấy dựa trên mối quan hệ đã có trước đó giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên, cách tiếp cận trực tiếp từ tổng thống đắc cử có khả năng là cách tốt nhất “phá băng” quan hệ hai bên.
Nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận về chính sách này “còn lỏng lẻo” và ông Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có ba cuộc gặp với ông Kim Jong-un – lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2018, sau đó tại Việt Nam và làng đình chiến Panmunjom ở biên giới liên Triều vào năm 2019. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không đạt được kết quả cụ thể nào trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã không tham gia đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng tinh vi hơn.
Theo giới quan sát, việc ông Trump tái đắc cử đã khơi lại triển vọng cho hoạt động ngoại giao thượng đỉnh của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Khả năng này càng dễ xảy ra hơn sau khi Tổng thống đắc cử bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm Phó cố vấn an ninh quốc gia. Tổng thống đắc cử Trump cho biết ông Wong đã giúp ông đàm phán về hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un.
Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, đồng minh thân cận của ông Trump, bình luận: “Dựa trên kinh nghiệm của tôi với ông Trump, ông ấy có khả năng cởi mở hơn với việc đối thoại trực tiếp. Tôi lạc quan rằng mối quan hệ có thể được cải thiện nếu đối thoại được khôi phục”.
Hãng tin Reuters đưa tin rằng mục tiêu ban đầu của ông Trump là “tái lập sự tương tác cơ bản”, nhưng các mục tiêu chính sách tiếp theo hoặc thời gian biểu chính xác vẫn chưa được xác định.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần thứ hai, ông Trump đã ám chỉ về chính sách theo đuổi sự tương tác trực tiếp với ông Kim Jong-un, ca ngợi mối quan hệ cá nhân đặc biệt với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Tôi đã hòa hợp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên. Chúng tôi cũng đã xem xét khả năng hạt nhân của ông ấy. Nó rất đáng kể. Bạn biết đấy, hòa hợp là điều tốt. Nó không phải điều xấu”, ông Trump nói trong một cuộc vận động tranh cử hồi tháng 8.
Gần 3 tuần sau khi ông Trump tái đắc cử, ông Kim Jong-un vẫn chưa đề cập đến chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Tuần trước, trong bài phát biểu tại triển lãm vũ khí ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên đã tiến xa nhất có thể trong các cuộc đàm phán với Mỹ, song điều đó chỉ xác nhận chính sách thù địch không thay đổi của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un cho biết sẽ không bao giờ có cơ hội để đất nước của ông từ bỏ “con lắc của cán cân quân sự”.
Nhiều chuyên gia cho rằng khi nhậm chức, ông Trump có thể khôi phục lại chính sách ngoại giao cá nhân đối với Bình Nhưỡng để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Song một số người đã hoài nghi về triển vọng nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, viện dẫn các chương trình hạt nhân và tên lửa tiên tiến của Triều Tiên, mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Nga và những lo ngại an ninh cấp bách hơn đối với Mỹ, chẳng hạn xung đột Nga - Ukraine.