Theo Huawei, tỷ suất lợi nhuận ròng của nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này đạt khoảng 8% trong quý đầu năm nay, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, Huawei không công bố con số lợi nhuận ròng thực tế.
Báo cáo hạn chế về kết quả kinh doanh của Huawei được công bố vào thời điểm Mỹ đã và đang tăng cường chiến dịch chống lại tập đoàn công nghệ này với cáo buộc thiết bị của Huawei có thể được sử dụng với mục đích gián điệp đồng thời hối thúc các nước đồng minh của Washington ngăn cản tập đoàn Trung Quốc này xây dựng các mạng lưới di động 5G.
Huawei đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc nói trên. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới này hồi tuần trước cho biết số hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông 5G mà tập đoàn giành được đang tiếp tục gia tăng, bất chấp chiến dịch “tẩy chay” của Mỹ. Tính đến cuối tháng 3/2019, Huawei đã ký kết 40 hợp đồng thương mại cung ứng thiết bị 5G với các nhà mạng, đồng thời đã chuyển giao hơn 70.000 trạm 5G cho các thị trường toàn cầu và dự kiến sẽ giao thêm 100.000 trạm từ nay đến tháng 5/2019.
Trước đó, Huawei cho biết lợi nhuận ròng của tập đoàn trong năm 2018 tăng 25% lên 59,3 tỷ NDT (8,8 tỷ USD). Bên cạnh đó, tổng doanh thu của gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc trong năm 2018 cũng tăng 19,5%, trong đó mảng kinh doanh tiêu dùng tăng 45%. Tuy nhiên, mảng cung cấp hạ tầng viễn thông giảm 1,3%, sau khi ghi nhận mức tăng 2,5% trong năm 2017.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng di động thế hệ 5 (5G), nhưng "ông lớn" này đang bị nhiều thị trường phương Tây "quay lưng" trước những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước mình. Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn là bà Mạnh Vãn Châu do cáo buộc bà và Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ngoài ra, hai công ty con của Huawei còn bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của tập đoàn viễn thông T-Mobile.