Theo phóng viên TTXVN tại Australia, ngày 14/4, Bộ trưởng Thương mại nước này Simon Birmingham tuyên bố rằng chính phủ giữ nguyên quyết định của mình liên quan đến mạng 5G, và quyết định này không nhằm vào bất kỳ một quốc gia hay công ty viễn thông nào.
Quyết định trên được đưa ra vào hồi tháng 8 năm ngoái, cấm các nhà cung cấp thiết bị "có khả năng phải chịu sự chỉ đạo của chính phủ nước ngoài" không được tham gia phát triển mạng 5G ở Australia. Ông Birmingham khẳng định Australia tôn trọng các quy trình của WTO, "tin tưởng vào sự tuân thủ của Australia" và sẽ trả lời các câu hỏi của Trung Quốc về lệnh cấm theo quy trình thông lệ.
Tại cuộc họp của WTO, trong khiếu nại của mình, Trung Quốc không nêu rõ tên hãng công nghệ liên quan nhưng ám chỉ lệnh cấm của Australia có tính chất phân biệt đối xử. Bắc Kinh cho rằng các biện pháp hạn chế mà một quốc gia đưa ra không thể giải quyết các mối lo ngại về an ninh mạng mà sẽ khiến chính quốc gia này bị cô lập trong việc áp dụng công nghệ mới.
Các quy định của WTO yêu cầu các quốc gia thành viên không được phép phân biệt đối xử giữa các đối tác thương mại, trừ khi có lý do an ninh quốc gia.
Huawei đã khởi kiện Mỹ ra trước WTO về lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó văn phòng Huawei ở Australia cho biết hãng này vẫn ưu tiên hợp tác với Canberra hơn là khởi kiện nhưng không loại trừ động thái này.
Mặc dù không hài lòng với lệnh cấm của Australia, phản ứng của Trung Quốc cho đến nay vẫn khá thận trọng. Khiếu nại trên là khiếu nại chính thức đầu tiên của Bắc Kinh, báo hiệu chính phủ mới của Australia sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 5 tới có thể phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc về vấn đề Huawei.