Theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP), câu hỏi trên được cho là vấn đề đang được quan tâm vì Chính phủ Trung Quốc đang phụ thuộc vào khả năng tiêu dùng của người dân trong việc củng cố nền kinh tế nước nhà giữa bối cảnh thương chiến với Mỹ kéo dài và chưa thấy có hồi kết. Nếu như người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn so với dự kiến.
Doanh số bán mỳ ăn liền tại đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu giảm sau năm 2014, một phần là vì các bữa ăn tiện lợi giá rẻ vào thời điểm đó đã được phân chia thị trường cho các công ty start-up chuyển phát đồ ăn. Năm 2016, doanh số bán mỳ ăn liền giảm mạnh xuống còn 38,5 tỷ gói.
Tuy nhiên, đến năm ngoái, lượng mỳ tiêu thụ đã tăng vọt trở lại 40 tỷ đơn vị, cao hơn 38,8% so với doanh số toàn cầu theo thống kê của Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới. Giới phân tích dự báo doanh số còn tăng nữa trong năm nay.
Mỳ ăn liền đã trở thành một sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng cho cuộc cách mạng công nghiệp hóa nhanh chóng của quốc gia tỷ dân trong 40 năm qua. Doanh số bán mỳ ăn liền tăng mạnh đồng nghĩa với thực trạng lực lượng công nhân tăng lên và tầng lớp trung lưu – những người có nguồn thu nhập cao hơn có xu hướng mua các sản phẩm chất lượng - giảm xuống.
Vì sự phổ biến và tầm quan trọng, số lượng tiêu thụ mỳ ăn liền và xe ô tô luôn được lấy ra làm thước đo để xem liệu người tiêu dùng Trung Quốc có cải thiện chi tiêu của bản thân – mua thêm những món đồ đắt tiền – hay thắt chặt chi tiêu bằng cách tìm những nguồn sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm.
“Trong 5 năm vừa qua, doanh số bán mỳ ăn liền tại Trung Quốc tăng vọt trở lại 40 tỷ đơn vị/năm. Ngành công nghiệp chứng kiến nhiều bước cải thiện, nhưng dù giá thành của sản phẩm có thể thay đổi như nào, thì nó vẫn chỉ là mỳ ăn liên. Lượng tiêu thụ lớn không do sự cải tiến về mặt sản phẩm, mà nó thể hiện sự thay đổi lớn trong xu hướng tiêu dùng. Một sản phẩm phổ biến tương tự khác là rau đóng gói cấp đông. Trong khi đó, doanh số bán những mặt hàng xa xỉ như ô tô thì kém. Tất cả điều này nói lên… nhu cầu tiêu dùng sụt giảm”, Tao Dong – Giám đốc quản lý Ngân hàng tư Asia-Pacific – nhận xét.
Theo một khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây, nhiều người đã gửi tiền vào ngân hàng thay vì chi tiêu hay đầu tư. Các hộ gia đình giảm chi và tăng cường tiết kiệm. Công ty tư vấn tài chính Boston Consulting thống kê chi tiêu trực tuyến tại Trung Quốc giảm 50% dù thương mại điện tử vẫn bùng nổ.
Truyền thông đính chính
Trong một bài viết mới nhất, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải một bài viết bác bỏ quan điểm người tiêu dùng nước này đang thắt chặt chi tiêu. Thay vào đó, bài viết cho rằng doanh số bán mỳ ăn liền khôi phục là biểu hiện câu chuyện thành công của một sản phẩm được cải tiến. Điều này cũng nói lên doanh số cao là dấu hiệu sản phẩm đã được cải thiện vì các phiên bản cao cấp được lựa chọn.
“Sự trỗi dậy của mỳ ăn liền và rau quả đóng gói sẵn không phải vì người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, mà thay vào đó là các công ty đã tận dụng được cơ hội thị trường để phân phối nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, giới thiệu nhiều phiên bản cao cấp hơn”, một bài viết trên Nhân dân Nhật báo tháng trước đề cập.
Tingyi Holding – nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất Trung Quốc – cho biết doanh thu bán các sản phẩm tăng 3,68% từ năm 2018 lên 11,5 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD). Tốc độ tăng tại doanh thu bán hàng chủ yếu đóng góp từ mỳ ăn liền “cao cấp” với giá 24 NDT/gói – đắt hơn một bát mỳ bò trong nhà hàng ở một số thành phố Trung Quốc.
Meng Suhe – người đứng đầu Viện Kỹ thuật và Khoa học thực phẩm Trung Quốc – trong một bài phát biểu gần đây cũng cho biết dòng sản phẩm cao cấp của mỳ ăn liền là ví dụ thể hiện tiêu thụ đã được nâng tầm. Theo tính toán của viện này, tổng doanh thu của 22 nhà sản xuất mỳ ăn liền Trung Quốc chạm mốc 51,5 tỷ NDT trong năm 2018, tăng 3,3%.