Doanh nghiệp toàn cầu lao đao vì chính sách thuế quan của Mỹ

Các công ty lớn trên toàn cầu đang đối mặt với áp lực gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tăng thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu, đe dọa làm tăng giá cả và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chú thích ảnh
Thép cuộn tại nhà máy thép Hyundai ở Dangjin, phía Tây Nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tập đoàn siêu thị Ahold Delhaize (Hà Lan) và Tập đoàn năng lượng Siemens Energy (Đức) là những cái tên gần đây nhất lên tiếng về tác động của các mức thuế mới này, trong khi nhà sản xuất thép chuyên dụng voestalpine kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có biện pháp ứng phó.

Ngày 12/2, Siemens Energy cho biết thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ tác động lớn đến chi phí của công ty, đặc biệt là tại thị trường Mexico, nơi mạng lưới cung ứng thiết bị điện của họ chịu nhiều rủi ro. Giám đốc điều hành Christian Bruch nhận định rằng dù chưa thể ước lượng chính xác những tác động, nhưng công ty sẽ phải chuyển phần chi phí tăng thêm đến tay khách hàng. Đây là nhận định không mới, khi nhiều giám đốc điều hành khác trên toàn cầu  trong những tuần gần đây cũng cảnh báo về tác động tiềm tàng của thuế quan mới mà Mỹ áp đặt. 

Ahold Delhaize, điều hành các chuỗi siêu thị lớn tại Mỹ như Food Lion, Stop & Shop và Hannaford, dự báo thực phẩm, rau củ và các sản phẩm giấy sẽ tăng giá nếu thuế quan của Mỹ tiếp tục tác động đến hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada. Giám đốc điều hành Frans Muller cho biết công ty đang xem xét tìm nguồn cung ứng thay thế từ các bang như Florida và các khu vực khác của Mỹ nếu sản phẩm từ Mexico trở nên kém cạnh tranh hơn.

Ngành thép tại châu Âu cũng đang lo ngại về việc nhập khẩu thép giá rẻ từ các quốc gia khác có thể tràn vào EU như đã xảy ra vào năm 2018. Voestalpine, nhà sản xuất thép chuyên dụng của Áo, đã kêu gọi EU ngay lập tức triển khai các biện pháp ứng phó và bắt đầu đàm phán với Mỹ về các vấn đề thuế quan.

Tương tự, Aperam, nhà sản xuất thép của Pháp, cũng yêu cầu EU can thiệp để hạn chế việc nhập khẩu nếu thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm khiến các công ty nước ngoài chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường EU.

Các chuyên gia chiến lược cổ phiếu của Barclays nhận định rằng trong ngắn hạn, các đe dọa về thuế quan của Mỹ có thể giống như một công cụ để đàm phán, dù vẫn còn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với các cổ phiếu của những công ty chịu tác động trực tiếp từ thuế và biến động tỷ giá, chẳng hạn như ngành ô tô và hàng tiêu dùng thiết yếu. Các tính toán sơ bộ từ Barclays cho thấy các công ty châu Âu có thể gánh chịu thiệt hại từ 5-10% lợi nhuận trong hàng hóa bị đánh thuế 10% trong kịch bản "xấu nhất".

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và các quốc gia khác đang khiến các nhà phân tích lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu. Các cố vấn thương mại của Tổng thống Trump đang hoàn tất kế hoạch áp dụng các mức thuế trả đũa đối với những quốc gia tăng thuế nhằm vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về việc các cuộc đàm phán thương mại có thể trở nên căng thẳng và vượt tầm kiểm soát.

Phương Oanh (TTXVN)
Tác dụng ngược từ chính sách thuế quan của Mỹ
Tác dụng ngược từ chính sách thuế quan của Mỹ

Theo giới chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 25% đối với nhôm, thép nhập khẩu sẽ gây ra những hệ quả lợi bất cập hại, không chỉ có nguy cơ làm nảy sinh cuộc chiến thương mại khi các nước cũng thực hiện các biện pháp đáp trả, mà còn gây ra những tác dụng ngược đối với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN