Doanh nghiệp Indonesia tin tưởng RCEP thúc đẩy giao dịch và đầu tư đa phương

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm và đồ uống Indonesia (GAPMMI) Adhi Lukman bày tỏ tin tưởng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được ký kết trong năm nay, bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Indonesia (GAPMMI), ông Adhi Lukman trao đổi với PV TTXVN tại Jakarta.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Adli cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 nước đối tác đã thảo luận RCEP trong một thời gian dài. Đã đến lúc các bên liên quan cần nhất trí và thực thi RCEP vì hoạt động thương mại và đầu tư càng tự do càng mang lại nhiều lợi ích cho các nước.

Mặt khác, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kêu gọi các nước tự do hóa thương mại và đầu tư, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và nông sản, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian đại dịch COVID-19. Đó cũng là lý do GAPMMI ủng hộ các quốc gia nhất trí và ký kết RCEP trong năm nay.

Chủ tịch GAPMMI cũng cho rằng việc ký kết RCEP sẽ giúp thúc đẩy giao dịch và đầu tư giữa các quốc gia. Với dân số rất lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, nếu RCEP được ký kết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống có tiềm năng hưởng lợi từ việc đáp ứng nhu cầu cho thị trường khổng lồ này. Đây cũng sẽ là một cơ hội tốt cho tất cả các nước ASEAN và tất cả các nước tham gia ký kết RCEP.

Ngoài ra, hiện có nhiều quy định khác nhau về đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng quốc gia. Một khi RCEP được ký kết, các nước có thể thảo luận về các hàng rào phi thuế quan, các quy định về an toàn thực phẩm và tem nhãn sãn phẩm nhằm mang lại lợi ích cũng như cơ hội cho doanh nghiệp các nước.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội và giảm thiểu các tác động không mong muốn của RCEP, ông Adhi khẳng định điều quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Về phần mình, các doanh nghiệp GAPMMI đã chuẩn bị tốt về nhân lực, nâng cao kỹ năng của người lao động nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và năng suất. 

Ông Adhi cho biết thêm tổng giá trị trao đổi thương mại thực phẩm và đồ uống giữa Indonesia và Việt Nam đạt hơn 300 triệu USD vào năm 2019, trong đó Indonesia xuất khẩu khoảng 265 triệu USD. Kim ngạch này không lớn và hai nước còn nhiều tiềm năng để gia tăng trao đổi thương mại. Ông đánh giá Việt Nam có nhiều nguyên liệu như gia vị và ngũ cốc. Indonesia có thể nhập khẩu các loại nguyên liệu này từ Việt Nam và xuất khẩu một số nguyên liệu khác cũng như các loại thực phẩm chế biến sẵn sang Việt Nam. Ngoài ra, hai nước cũng có thể hợp tác mua bán sản phẩm và xuất khẩu sang các nước tham gia RCEP.

Hữu Chiến - Đình Ánh (TTXVN)
Ấn Độ vẫn giữ nguyên quan điểm về RCEP
Ấn Độ vẫn giữ nguyên quan điểm về RCEP

Theo ThePrint, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn kiên trì với quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và sẽ “không xem xét lại” các lựa chọn của mình, cho dù các quốc gia thành viên đang chuẩn bị ký kết thỏa thuận vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN