Theo CNBC, tính đến ngày 10/10, Country Garden đã không thể trả được khoản nợ trị giá 470 triệu đô la Hong Kong (60 triệu USD). Điều này có thể dẫn đến việc các chủ nợ yêu cầu trả nợ nhanh hơn hoặc theo đuổi các biện pháp cưỡng chế.
Hãng tin Reuters cho biết thêm trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 10/10, Country Garden nói rằng doanh số bán hàng và tài chính của họ đang đối mặt với “những thách thức đáng kể” và số vốn khả dụng của họ tiếp tục giảm.
Theo Country Garden, họ sẽ “không thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán ở nước ngoài của mình khi đáo hạn hoặc trong thời gian ân hạn có liên quan".
Cảnh báo của Country Garden nhấn mạnh hoạt động siết chặt thanh khoản chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế, và doanh số bán hàng yếu hơn tiếp tục làm u ám triển vọng của các nhà phát triển bất động sản.
Country Garden là nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, từng được coi là một doanh nghiệp bất động sản khoẻ mạnh và đã trụ vững trong giai đoạn đầu của khủng hoảng bất động sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 9 vừa qua, Country Garden đã khiến giới đầu tư toàn cầu sửng sốt khi phải lách qua khe cửa hẹp để thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.
Khi đó, Country Garden đã xoay sở trả được 22,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu và thuyết phục được các chủ nợ bỏ phiếu nhất trí gia hạn thêm ba năm thời gian trả nợ cho 6 lô trái phiếu trong nước.
Theo Reuters, Country Garden có 10,96 tỷ USD trái phiếu nước ngoài và các khoản vay nước ngoài trị giá 42,7 tỷ nhân dân tệ (5,86 tỷ USD).
Tuần tới, Country Garden sẽ phải đối mặt với một thử thách lớn khi toàn bộ khoản nợ nước ngoài của họ có thể bị coi là vỡ nợ nếu không thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá 15 triệu USD vốn đáo hạn vào tháng 9 và hết thời gian ân hạn 30 ngày vào hôm 17/10.
Thách thức đang bủa vây Country Garden và Evergrande cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc sẽ không sớm kết thúc. Niềm tin suy giảm và dòng vốn cạn dần khiến thanh khoản của các công ty địa ốc Trung Quốc trở nên tê liệt.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như giảm yêu cầu đặt cọc khi mua nhà, giảm lãi suất đối với các khoản vay mua nhà trả góp tại một số địa phương…
Tuy nhiên, tình hình không cải thiện nhiều bởi khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc là khủng hoảng thừa.
Theo CCTV, phát biểu tại một diễn đàn tổ chức ở thành phố Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông hôm 23/9/2023, ông Hạ Khánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, nhận định: “Hiện nay nguồn cung nhà đất quá thừa. Bây giờ đang có bao nhiêu căn nhà bỏ trống? Mỗi chuyên gia đưa ra một con số khác nhau quá lớn, nhưng có lẽ 1,4 tỷ người có lẽ cũng không thể ở hết số nhà bỏ trống".