Đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga vẫn cung cấp lương thực cho Nam bán cầu

Moskva đã đình chỉ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen với cáo buộc phương Tây không thực hiện trách nhiệm theo thỏa thuận.

Chú thích ảnh
Một chiếc thuyền chở các quan chức Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc hướng đến tàu chở hàng Razoni treo cờ Sierra Leone, để kiểm tra xem lô hàng ngũ cốc có phù hợp với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hay không, vào ngày 3/8/2022. Ảnh: Sputnik International

Tiến sĩ Anuradha Chenoy, Giáo sư đã nghỉ hưu tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, nói với Sputnik: “Quyết định chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc của Nga đã được dự đoán trước. Tập thể phương Tây và Ukraine đã liên tục vi phạm cam kết của họ trong Thỏa thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hơp quốc".

Thỏa thuận ngũ cốc hết hạn vào ngày 17/ 7 với việc Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng họ sẽ không gia hạn thỏa thuận cho đến khi và trừ khi các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga được đáp ứng.

Moskva tuyên bố đã thực hiện đầy đủ cam kết của mình trong Sáng kiến ​​ngũ cốc Biển Đen được Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc ký vào tháng 7/2022, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu đã không dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngăn chặn các chuyến hàng ngũ cốc và phân bón của Nga.

Cụ thể, Ngân hàng Rosselkhozbank của Nga vẫn bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và EU không sẵn sàng dỡ bỏ các hạn chế đối với ngân hàng nông nghiệp của quốc gia, bất chấp các thỏa thuận trước đó. Tương tự như vậy, các chủ hàng và công ty bảo hiểm phương Tây vẫn từ chối vận chuyển hàng hóa nông nghiệp của Nga vì lệnh trừng phạt. Ngoài ra, đường ống Togliatti-Odessa - được sử dụng để vận chuyển phân bón của Nga đến cảng Odessa ở Biển Đen - đã bị những kẻ phá hoại cho nổ tung vào tháng 6.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 17/7 nhấn mạnh rằng ngay sau khi phương Tây thực hiện cam kết của họ, Moskva sẽ nối lại thỏa thuận. "Chúng tôi đang đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc. Nếu phương Tây thực hiện các lời hứa mà họ đã đưa ra cho Nga, thì chúng tôi sẵn sàng nối lại nó. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc đó sẽ nhanh chóng và dễ dàng".

Ngày 17/7, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cũng phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, khẳng định: "Về phần mình, chúng tôi cam kết thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với việc cung cấp ngũ cốc của Nga cho khách hàng và tiếp tục hỗ trợ những người có nhu cầu ở các nước đang phát triển bất chấp mọi trở ngại".

Ai được lợi nhiều nhất từ ​​thỏa thuận ngũ cốc?

Theo Liên hợp quốc, EU là bên hưởng lợi chính từ Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen: 38% tổng số ngũ cốc được gửi đến "lục địa già"; 30% khác thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ; và 24% sang Trung Quốc.

"EU được hưởng lợi rất nhiều", nhà nghiên cứu Nadein-Raevskiy đồng tình, và cho biết thêm rằng ở các nước ngoại vi EU, nhiều quốc gia đã phải hứng chịu cơn lũ ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine.

Trong khi đó, những bên không được hưởng lợi từ thỏa thuận này là các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương. Chỉ có 2% ngũ cốc được cung cấp cho Nam bán cầu bất chấp những tuyên bố trước đó của phương Tây rằng toàn bộ ý tưởng đằng sau thỏa thuận này là để nuôi sống các nước nghèo nhất thế giới.

Nga cũng không được lợi. Arkady Zlochevsky, người đứng đầu Liên minh ngũ cốc Nga (RGU), cho biết ngày 17/7 do giá ngũ cốc của Nga giảm - từ tác động của thỏa thuận ngũ cốc - ngành ngũ cốc của Nga đã mất khoảng 1 tỷ USD trong năm.

Phương Tây đã đổ lỗi cho việc đình chỉ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen cho Nga. Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố rằng quyết định của Nga là một "động thái hoài nghi". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích Nga đã sử dụng thỏa thuận này "như một vũ khí".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Chenoy bình luận: "Phương Tây sẽ ngay lập tức đổ lỗi cho Nga". Bà nói thêm rằng giới tinh hoa phương Tây không quan tâm đến người dân thường ở Nam bán cầu. Và thông qua chiến dịch tuyên truyền của mình, phương Tây đang tìm cách cắt đứt quan hệ giữa Nga với các nước Nam bán cầu.

"Họ tin rằng nếu các quốc gia phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga ở Nam Bán cầu bị tước bỏ loại ngũ cốc này, thì họ sẽ quay lưng lại với Nga".

Chú thích ảnh
Trong tháng 5/2023, Moskva đã cung cấp 4,9 triệu tấn lúa mì cho thị trường nước ngoài. Ảnh: Sputnik

Nga tiếp tục cung cấp lương thực cho châu Phi, Đông Nam Á

Tuy nhiên, Tiến sĩ Chenoy không nghi ngờ gì về việc Nga sẽ tìm cách vận chuyển ngũ cốc của mình đến các nước nghèo đang phát triển.

"Lần cuối cùng khi thỏa thuận ngũ cốc kết thúc, Nga đã gửi nhiều chuyến tàu chở ngũ cốc đến các quốc gia Nam bán cầu cần chúng nhất. Điều này được Liên minh châu Phi đặc biệt thừa nhận. Tôi hy vọng Nga sẽ làm điều tương tự", bà Chenoy nói.

Bất chấp gánh nặng của các biện pháp trừng phạt, Nga đã xuất khẩu được hơn 15 triệu tấn ngũ cốc, cũng như một lượng lớn phân bon tính đến tháng 11/2022. Hơn 90% lượng hàng được giao đến các nước ở châu Phi và Đông Nam Á - theo Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrey Belousov thông tin tới các nhà báo vào thời điểm đó.

Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/5 tổng lượng xuất khẩu toàn cầu. Dự kiến ​​năm nay nước này sẽ có một trong những mùa vụ tốt nhất từ ​​trước đến nay. Theo Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng nhất ở Nga, chiếm khoảng 4% GDP.

Trong mùa xuân năm nay, vào tháng 5 Moskva đã cung cấp 4,9 triệu tấn lúa mì cho thị trường nước ngoài; 5 triệu tấn vào tháng 4; và 5,2 triệu tấn trong tháng 3. Trong số những nước mua ngũ cốc của Nga có Ai Cập, Yemen, Brazil, Bangladesh, Oman, Mexico, Mozambique, Tunisia, Senegal, Tanzania và Rwanda.

Năm 2022, Nga cập nhật kỷ lục về tổng thu hoạch ngũ cốc: với tổng sản lượng 157,676 triệu tấn, tăng 29,9% so với năm 2021. Năm 2023, sản lượng thu hoạch ngũ cốc ở Liên bang Nga dự kiến ​​là 123 triệu tấn, trong đó có 78 triệu tấn lúa mì.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Đại hội đồng LHQ kêu gọi đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
Đại hội đồng LHQ kêu gọi đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Ngày 17/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN