WHO khẳng định liệu pháp oxy là cách "can thiệp điều trị" cơ bản đối với những bệnh nhân nguy kịch. WHO nhấn mạnh tất cả các quốc gia nên phát huy tối đa hiệu quả sử dụng máy đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu và hệ thống hỗ trợ cung cấp dưỡng khí cho bệnh nhân trong giai đoạn nguy kịch. WHO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận biết biết sớm, kèm theo đó là thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây lan, cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế kịp thời cho những người mới có biểu hiện mắc bệnh nhẹ, đồng thời hỗ trợ tối đa những người bệnh nặng.
WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm COVID-19 đã mắc sẵn các bệnh hiểm nghèo được báo cáo ở mức trên 50%. Vì thế, các biện pháp can thiệp khẩn cấp như cung cấp đủ lượng oxy cho phổi phải được thực hiện ở mức cao nhất.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 1/3, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 202 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca ngoài tỉnh Hồ Bắc, nâng tổng số ca nhiễm mới tại nước này lên 80.026 người. Đây là số ca nhiễm mới ít nhất tính theo ngày tại Trung Quốc đại lục kể từ cuối tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, tổng số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục là 2.912 người.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng cho biết trong ngày 1/3 có 2.837 người nhiễm COVID-19 được xuất viện sau khi bình phục tại Trung Quốc đại lục, nâng tổng số người xuất viện tại nước này lên 44.645 người.
Việc số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục liên tục giảm trong những ngày qua và đã xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 vừa qua, khiến nhiều nhiều doanh nghiệp đã trở lại hoạt động. Ước tính, gần 300 triệu người dân Trung Quốc đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong bối cảnh các công ty tái trở lại hoạt động và nhiều chính quyền địa phương nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại từng được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Tính tới ngày 2/3, 18 khu vực tại Trung Quốc đại lục đã hạ mức ứng phó khẩn cấp đối với dịch COVID-19 và giới chức các địa phương nới lỏng các hạn chế đi lại trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này giảm mạnh và hiện ở mức thấp nhất trong một tháng qua. Trong khi đó, số ca xuất viện mới luôn trên 1.000 người mỗi ngày đã kéo dài trong 19 ngày liên tục.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Trung Quốc, trong tuần qua là tuần thứ ba sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, trung bình có 15,8 triệu lượt hành khách trở lại các thành phố để đi làm sau khi về quê ăn Tết, nâng tổng số lượt hành khách trở lại làm việc đến nay lên tới 295 triệu người. Hoạt động giao thông tấp nập tại các thành phố lớn của Trung Quốc cũng cho thấy số người tham gia giao thông gia tăng trên toàn nước này.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc tiếp tục tăng thêm 123 ca, nâng tổng số ca nhiễm mới tại quốc gia này trong ngày lên tới 599 ca.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính tới chiều 2/3, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 4.335 ca nhiễm COVID-19. Cho tới nay đã có 26 người tử vong do COVID-19, trong đó có 4 ca tử vong trong ngày 2/3. Các ca nhiễm chủ yếu tập trung ở thành phố Daegu với 3.801 ca và ở Bắc Gyeongsang với 624 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tại thủ đô Seoul cũng tăng lên 91 người và ở Busan là 88 người.
Đà lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 ở nhóm đối tượng học sinh đã khiến Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày chỉ đạo tất cả các trường học trên khắp cả nước lùi thời gian bắt đầu học kỳ mùa Xuân thêm 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo hướng dẫn mới, tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học trên toàn quốc sẽ bắt đầu năm học mới vào ngày 23/3, chậm hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu.
Tương tự tại Nhật Bản, gần như toàn bộ các tỉnh ở nước này đã đóng cửa các trường học trong ngày 2/3, tức bốn ngày sau khi Thủ tướng nước này Shinzo Abe đề nghị tất cả các trường học trên toàn quốc tạm thời đóng cửa để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan rộng.
Tính tới nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 979 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 700 người đi trên du thuyền Diamond Princess được cách ly gần Tokyo.
Tại Iran, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này cho đến nay đã tăng lên 1.501 người và số người tử vong là 66 người. Thứ trưởng Bộ trưởng Y tế Iran Alireza Raisi thông báo nước này ghi nhận thêm 523 ca nhiễm mới và 12 ca tử vong trong ngày 2/3. Đáng chú ý trong số các ca tử vong có ông Mohammad Mirmohammadi, 72 tuổi, một cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tinh thần Ali Khamenei.
Trong ngày 2/3, WHO đã chuyển chuyến hàng cứu trợ đầu tiên tới Iran. Ông Robert Blanchard - đại diện của WHO, cho biết một máy bay quân sự của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chở 7,5 tấn hàng cứu trợ bao gồm thiết bị y tế, các bộ xét nghiệm cũng như một số dụng cụ y tế thiết yếu hỗ trợ các nhân viên y tế Iran nhằm chặn chặn dịch bệnh lây lan. Ông Blanchard cho biết một nhóm chuyên gia y tế gồm 6 thành viên là bác sĩ, chuyên gia dịch tễ học và chuyên viên phòng thí nghiệm của WHO sẽ cùng tới Iran để hỗ trợ công tác phát hiện và kiếm soát virus SARS-CoV-2 .
Hiện tại, dịch COVID-19 đang lan nhanh tại châu Âu, trong bối cảnh nhiều nước ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, trong khi số ca tử vong tại Italy - tâm dịch ở châu Âu, đã tăng lên 41 người. Số ca nhiễm tại nước này cũng đã lên tới 1.704 người. Đáng lưu ý, hầu hết những người dương tính với virus đều thể hiện rất ít, thậm chí, không có triệu chứng phát bệnh. Chỉ có 9% trường hợp nhiễm virus, tương đương 140 người, trong đó 106 người ở vùng Lombardy - tâm dịch ở Italy, cần phải được điều trị tích cực. Dự kiến chính phủ Italy trong tuần này sẽ thông qua gói ngân sách trị giá 3,6 tỷ EUR để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Liên minh châu Âu (ECDC) đã nâng cảnh báo về virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ mức vừa phải lên mức cao. Bà Leyen thông báo: “ECDC tuyên bố trong ngày 2/3 rằng mức độ rủi ro đã tăng từ mức vừa phải lên mức cao đối với người dân ở Liên minh châu Âu (EU). Nói cách khác, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lây lan".
Báo Le Parisien của Pháp ngày 2/3 dẫn nhiều nguồn tin cho biết có thêm 2 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại miền Bắc nước này, nâng tổng số ca tử vong tại Pháp lên 4 người. Thị trưởng thành phố Compiegne, ông Phillippe Marini xác nhận có thêm 2 ca tử vong tại bệnh viện Compiegne.
Tính đến thời điểm này, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Pháp hiện là 130 người.
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày thông báo ông Macron đã quyết định hủy 2 sự kiện lẽ ra được tổ chức trong tuần này để tập trung vào nỗ lực ứng phó với dịch bệnh tại nước này. Cụ thể, ông Macron sẽ hủy bữa tiệc thường niên của Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái tại Pháp (CRIF) theo kế hoạch diễn ra ngày 3/3 và chuyến thăm tới Tây Nam Pháp lẽ ra vào ngày 4/3.
Trong khi đó, bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp tiếp tục đóng cửa ngày thứ hai liên tiếp sau khi nhân viên bảo tàng lại từ chối làm việc do lo ngại virus SARS-CoV-2 đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của họ. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp của nhân viên bảo tàng ngày 2/3
Trong ngày 2/3, Indonesia, Bồ Đào Nha, Iceland , CH Séc, vùng lãnh thổ Scotland thuộc Anh và Jordan đều đã ghi nhận các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Tại Mỹ, giới chức y tế bang Washington đã thông báo ca thứ hai ở Mỹ tử vong do nhiễm virus Corona chủng mới SARS-CoV-2. Trước đó, bang Washington ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên ngày 29/2.
Thống đốc bang Florida, Ron DeSantis cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sau khi hai người dân tại hai quận khác tại bang này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARC-CoV-2.
Cho đến thời điểm này, Mỹ đã ghi nhận 88 trường hợp nhiễm bệnh COVID-19.
Tính đến tối 2/3, trên toàn thế giới đã có 89.854 ca nhiễm và 3.069 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Số trường hợp khỏi bệnh là 45.636 ca. Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 71 quốc gia và vùng lãnh thổ.