Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 3/5: Thế giới vượt 153 triệu ca bệnh; Ấn Độ có 370.059 ca mắc mới

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 667.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 153 triệu ca, trong đó trên 3,2 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (370.059 ca), Brazil (28.935 ca) và Mỹ (trên 28.900 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.422 ca), Brazil (1.074 ca) và Colombia (485 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong mới của Ấn Độ có giảm so với những ngày trước đó nhưng vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Ấn Độ từng ghi nhận trên 400.000 ca nhiễm mới trong ngày 1/5, mức cao nhất từ trước đến nay ở nước này cũng như trên thế giới. 

Riêng tháng 4 vừa qua, Ấn Độ phát hiện 7 triệu ca mắc mới. Đến nay, Ấn Độ có trên 19,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 218.945 ca tử vong.

Bang Haryana (Ấn Độ) áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn trong 7 ngày

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế bang Haryana của Ấn Độ Ani Vij cho biết lệnh phong tỏa hoàn toàn 7 ngày trên toàn bang sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 3/5 và kéo dài trong 1 tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Nằm sát bang Delhi, Haryana là một trong những điểm nóng dịch bệnh ở Ấn Độ. Bang này đang trải qua lệnh phong tỏa cuối tuần được áp đặt từ ngày 30/4 và kéo dài đến sáng 3/5. Trong khi đó, bang Delhi đang bị áp đặt lệnh phong tỏa được gia hạn thêm 7 ngày, cho đến ngày 10/5. 

Giống như hầu hết các bang khác, các bệnh viện ở bang Delhi và Haryana cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh Ấn Độ đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận trên 600 ca mới mỗi ngày 

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 2/5 cho biết nước này chứng kiến ngày thứ tư liên tiếp có số ca mắc mới theo ngày trên mức 600, trong bối cảnh một số ổ dịch bùng phát gây khó khăn cho công tác khống chế. Cụ thể, Hàn Quốc đã ghi nhận 606 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 123.240 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 1.833 ca sau khi ghi nhận thêm 2 ca. 

Giới chức y tế đã cảnh báo nguy cơ số ca mắc mới gia tăng trong bối cảnh người dân có nhiều hoạt động trong thời tiết ấm áp, làm dấy lên những mối quan ngại về dịch bệnh trước thềm các kỳ nghỉ lớn trong tháng 5 này. Theo thống kê, hơn 40% số ca mắc mới trong cộng đồng tập trung tại các khu vực bên ngoài Vùng thủ đô Seoul, cho thấy dịch bệnh có xu hướng lây lan trên khắp cả nước.

Trước đó, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn áp dụng thêm 3 tuần, đến ngày 23/5, các biện pháp giãn cách xã hội và lệnh cấm tụ tập trên 5 người nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Hiện tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận đang áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2 - mức cao thứ ba trong hệ thống 5 mức hiện hành ở Hàn Quốc, trong khi các địa phương còn lại trên cả nước áp dụng cấp độ 1,5. Các biện pháp giãn cách này ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào ngày 2/5.

Số bệnh nhân COVID-19 thể nặng tăng kỷ lục theo ngày ở Nhật Bản

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 12/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân có biểu hiện bệnh nghiêm trọng ở nước này đã tăng ở mức cao nhất là 1.050 ca trong 24 giờ qua, vượt kỷ lục cũ là 1.043 ca ngày 27/1 khi một vài tỉnh của nước này được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ hai về dịch bệnh.

Nhật Bản cũng ghi nhận thêm 5.900 ca nhiễm mới và 61 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 604.885 ca và 10.400 ca tử vong.

Tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản, vẫn là tỉnh chịu tác động nghiêm trọng nhất với 1.057 ca nhiễm mới sau số ca nhiễm cao kỷ lục một ngày trước đó là 1.262 ca. Thủ đô Tokyo có 879 ca nhiễm mới sau mức tăng cao nhất trong 3 tháng qua được ghi nhận một ngày trước đó là 1.050 ca. 

Tokyo và các tỉnh miền Tây là Osaka, Kyoto và Hyogo đang được áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ ba cho đến hết ngày 11/5.

Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại mức 3 con số

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào, ngày 27/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào chiều 2/5 cho biết trong 24h qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng trở lại mức 3 con số với 112 ca tại 6 trên 18 tỉnh/thành. Đây là lần thứ 2 Lào ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 2 con số trong 2 năm qua. 

Sau 5 ngày có xu hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Lào lại bất ngờ tăng mạnh khi tỉnh Bokeo, Bắc Lào ghi nhận tới 60 ca, trong đó có 57 ca tại huyện Tonpheung. Huyện có Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng của Trung Quốc và từng bị phong tỏa 2 lần vào cuối năm ngoái sau khi một số công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Lào, khi về Trung Quốc thì bị xác định nhiễm COVID-19.

Mặc dù thủ đô Viêng Chăn chỉ ghi nhận 34 ca mới, nhưng số ca tăng đột biến tại Bokeo cho thấy tình hình dịch ở Lào vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường.
 Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/5, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận 54 người nước ngoài mắc COVID-19.

Tính đến ngày 2/5, Lào ghi nhận tổng cộng 933 ca mắc COVID-19, trong đó có tới gần 900 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay và không có hợp tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Campuchia tăng gần gấp đôi so với ngày 1/5

Chú thích ảnh
Khử khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 30/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 trong ngày 2/5 được Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tăng gần gấp đôi so với ngày hôm trước, với 730 ca và 6 trường hợp tử vong. 

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho tới hiện nay là 14.520 người, trong đó 5.369 trường hợp đã bình phục và 103 người tử vong. Trong số 25 tỉnh/thành của Campuchia, chỉ còn duy nhất tỉnh biên giới Ratanakiri (giáp Việt Nam) chưa có báo cáo về ca lây nhiễm nào.

Mặc dù chính quyền thủ đô Phnom Penh đã phân cấp 4 quận gồm Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol thuộc “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa hoàn toàn với những biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhất, nhưng có những dấu hiệu cho thấy việc kiểm soát khoanh vùng dịch bệnh đã tốt hơn khi tại những “Khu vực Vàng sẫm” và “Khu vực Vàng” ở thủ đô, người dân đã được phép buôn bán hàng hóa trở lại trong khu vực họ sinh sống. 

Thời gian cho phép việc buôn bán hàng hóa tiêu dùng, rau quả và thịt cá được thực hiện từ 3h sáng tới 8h tối hàng ngày. Thông báo từ chính quyền thủ đô Phnom Penh khẳng định các giới hạn đã được nới lỏng sau khi tình hình cho thấy nhu cầu thực tế người dân trong thời gian phong tỏa. Các hình thức kinh doanh này được thực hiện qua dịch vụ giao hàng, hoặc mở cửa hàng tư nhân tại nhà. 

Philippines có số ca mắc mới cao nhất ASEAN

Chú thích ảnh
Người dân đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines thông báo cũng ghi nhận thêm 8.346 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.054.983 ca, trong đó có  17.431 ca tử vong (sau khi có thêm 77 ca mới).
Nhiều ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ASEAN.
 Philippines với 110 triệu dân, đã tiến hành xét nghiệm cho trên 11 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020. 

Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 1.940 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 68.984 ca. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 2/5 cao hơn con số 1.891 ca công bố một ngày trước đó.

Cũng trong 24 giờ qua, số người tử vong do mắc COVID-19 tại Thái Lan đã tăng thêm 21 người, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 245 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người tử vong vì COVID-19 trong một ngày tại Thái Lan ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan đã chuyển hướng tập trung vào các ca nhiễm trong hộ gia đình khi số ca mắc mới giữa các thành viên trong gia đình tiếp tục tăng ở mức báo động. Phần lớn các trường hợp tử vong, với độ tuổi trung bình là 73, đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ gia đình họ.

Bangkok, Chiang Mai, Chon Buri, Samut Prakan và Nonthaburi là 5 tỉnh có số ca nhiễm mới cao nhất trong số 77 tỉnh của Thái Lan. Tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 1/5, Cục Kiểm soát dịch bệnh đã đặt mục tiêu đưa số lượng các ca mắc mới trong 1 ngày ở thủ đô xuống dưới 400, hoặc 8 ca ở mỗi quận, khi thành phố đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát sự lây lan.
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang đẩy nhanh việc mở rộng bệnh viện dã chiến và bệnh viện-khách sạn (hospitel) để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba mà địa phương này là tâm điểm.

Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang ngày 2/5 cho biết BMA đang xây dựng bệnh viện dã chiến thứ 5 của thủ đô tại Trung tâm huấn luyện thể thao Chaloem Phrakiat với sức chứa 400 bệnh nhân. Trong khi đó, nhà chức trách cũng đang liên hệ với các khách sạn để mở thêm nhiều bệnh viện-khách sạn.

Đức đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng nhờ lượng vaccine được chuyển giao nhanh chóng

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Cologne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Liên bang Đức ngày 2/5 cho biết chiến dịch tiêm chủng của nước này đang được đẩy mạnh nhờ số lượng vaccine được chuyển giao ngày càng tăng.

Phát biểu với báo Welt am Sonntag (Thế giới Chủ nhật), Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nêu rõ: "Mặc dù hiện nay nhiều người vẫn đang chờ lịch hẹn tiêm chủng, nhưng trong một vài tuần nữa, chúng tôi có thể sẽ nhận được nhiều vaccine hơn so với nhu cầu của các lịch hẹn này". 

Để nhanh chóng mở rộng chiến dịch tiêm chủng tại các doanh nghiệp, Bộ Y tế Đức đã lên kế hoạch chuyển giao vaccine cho bộ phận y tế riêng của từng doanh nghiệp và dự kiến từ ngày 7/6 tới, các bác sỹ tại đây sẽ chính thức được phép tiêm chủng cho người lao động. Theo kế hoạch,  ít nhất 500.000 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được chuyển giao cho bộ phận y tế doanh nghiệp mỗi tuần. 

Nhờ số lượng vaccine được chuyển giao tăng nhanh, mạng lưới tiêm chủng sẽ được tiếp tục mở rộng để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi các đội tiêm chủng lưu động và hơn 400 trung tâm tiêm chủng khu vực tại các bang đi vào hoạt động, tại Đức hiện đã có hơn 60.000 cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Số lượng người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã tăng mạnh trong tuần qua với tỷ lệ 26,9% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 7,7% được tiêm đủ hai mũi theo số liệu ngày 30/4. Theo kế hoạch của Bộ Y tế Đức, từ tháng 6 tới, mỗi tuần dự kiến sẽ có hơn 3 triệu liều vaccine Biontech/Pfizer được chuyển giao cho các cơ sở tiêm chủng.

Theo dự báo, nếu việc chuyển giao vaccine diễn ra đúng kế hoạch, đến cuối tháng 5 này, hơn một nửa số người đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tiêm ít nhất một mũi vaccine; con số này sẽ đạt 75% vào giữa tháng 6 tới. Với tỷ lệ sẵn sàng tiêm chủng dự kiến là 80% dân số, hầu hết những người có nguyện vọng sẽ được tiêm ít nhất một mũi trong tháng 6. 

Số liệu của Viện Robert Koch ngày 2/5 cho biết, Đức ghi nhận 13.225 ca mắc COVID-19 mới và 124 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và số bệnh nhân không qua khỏi lần lượt là hơn 3,42 triệu và 83.826 người.

New Zealand nối lại "bong bóng du lịch" với bang Tây Australia

Chú thích ảnh
Các thành viên trong gia đình xúc động gặp lại nhau sau một thời gian giãn cách do dịch COVID-19, tại sân bay quốc tế Sydney (Australia), sau khi khởi hành từ New Zealand, ngày 19/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 2/5, New Zealand đã nhất trí mở lại "bong bóng du lịch" với bang Tây Australia, 24 giờ sau khi đình chỉ các chuyến bay sang bang này, nơi có 3 người ở Perth có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Giới chức New Zealand cho biết sau khi tham vấn với các đối tác Australia, họ xác định nguy cơ lây nhiễm sang New Zealand là không đáng kể và có thể nối lại chuyến bay giữa hai bên vào ngày 3/5. Tuy nhiên, bất kỳ ai từng ở "những địa điểm đáng lo ngại" theo như xác định của chính quyền bang Tây Australia thì không thể tới New Zealand trong vòng 14 ngày.

Quan chức hãng đầu ngành y tế New Zeland, Ashley Bloomfield nêu rõ: "Trong khi nguy cơ nhiễm bệnh dường như là ở mức thấp, chúng ta vẫn phải cảnh giác khi được hưởng cơ hội đi du lịch không cách ly".

Đây là lần gián đoạn thứ hai đối với "bong bóng du lịch" giữa New Zealand và Australia kể từ khi hai nước mở chương trình kích cầu du lịch không cách ly từ ngày 18/4, gần 400 ngày sau khi hai bên đóng cửa biên giới do đại dịch COVID-19. 

Chương trình kích cầu du lịch giữa New Zealand và Australia là kết quả của nhiều tháng thương lượng giữa hai nước láng giềng đều đã cơ bản kiểm chế được dịch này, được đánh giá là nỗ lực lớn nhằm tái khởi động ngành lữ hành giữa hai nước vốn đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Theo chương trình, hành khách từ Australia đến New Zealand có thể bay qua biển Tasman mà không cần thực hiện cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 2/5: Thái Lan lại lập kỷ lục về ca tử vong; Số ca mắc mới ở Lào tăng mạnh
COVID-19 tại ASEAN hết 2/5: Thái Lan lại lập kỷ lục về ca tử vong; Số ca mắc mới ở Lào tăng mạnh

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/5, 10 quốc gia ASEAN ghi nhận 19.047 ca mắc COVID-19 và 261 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.441.388 ca, trong đó 68.396 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN