Trong ngày 2/5, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Philippines với 8.346 ca. Tiếp đó là Indonesia với 4.394 ca, Malaysia với 3.418 ca, Thái Lan với 1.940 ca, Campuchia với 730 ca, Lào (112 ca). Các quốc gia còn lại có số ca mắc mới dưới 50 ca.
Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (144 ca), Philippines (77 ca), Thái Lan (21 ca), Malaysia (12 ca), Campuchia (4 ca) và Timor-Leste (1 ca).
Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại mức 3 con số
Bộ Y tế Lào chiều 2/5 cho biết trong 24h qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng trở lại mức 3 con số với 112 ca tại 6 trên 18 tỉnh/thành. Đây là lần thứ 2 Lào ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 2 con số trong 2 năm qua.
Sau 5 ngày có xu hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Lào lại bất ngờ tăng mạnh khi tỉnh Bokeo, Bắc Lào ghi nhận tới 60 ca, trong đó có 57 ca tại huyện Tonpheung. Huyện có Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng của Trung Quốc và từng bị phong tỏa 2 lần vào cuối năm ngoái sau khi một số công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Lào, khi về Trung Quốc thì bị xác định nhiễm COVID-19.
Mặc dù thủ đô Viêng Chăn chỉ ghi nhận 34 ca mới, nhưng số ca tăng đột biến tại Bokeo cho thấy tình hình dịch ở Lào vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/5, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận 54 người nước ngoài mắc COVID-19.
Tính đến ngày 2/5, Lào ghi nhận tổng cộng 933 ca mắc COVID-19, trong đó có tới gần 900 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay và không có hợp tử vong.
Số ca nhiễm mới tại Campuchia tăng gần gấp đôi so với ngày trước
Số ca mắc COVID-19 trong ngày 2/5 được Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tăng gần gấp đôi so với ngày hôm trước, với 730 ca và 6 trường hợp tử vong.
Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho tới hiện nay là 14.520 người, trong đó 5.369 trường hợp đã bình phục và 103 người tử vong. Trong số 25 tỉnh/thành của Campuchia, chỉ còn duy nhất tỉnh biên giới Ratanakiri (giáp Việt Nam) chưa có báo cáo về ca lây nhiễm nào.
Mặc dù chính quyền thủ đô Phnom Penh đã phân cấp 4 quận gồm Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol thuộc “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa hoàn toàn với những biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhất, nhưng có những dấu hiệu cho thấy việc kiểm soát khoanh vùng dịch bệnh đã tốt hơn khi tại những “Khu vực Vàng sẫm” và “Khu vực Vàng” ở thủ đô, người dân đã được phép buôn bán hàng hóa trở lại trong khu vực họ sinh sống.
Thời gian cho phép việc buôn bán hàng hóa tiêu dùng, rau quả và thịt cá được thực hiện từ 3h sáng tới 8h tối hàng ngày. Thông báo từ chính quyền thủ đô Phnom Penh khẳng định các giới hạn đã được nới lỏng sau khi tình hình cho thấy nhu cầu thực tế người dân trong thời gian phong tỏa. Các hình thức kinh doanh này được thực hiện qua dịch vụ giao hàng, hoặc mở cửa hàng tư nhân tại nhà.
Liên quan tới việc chủng vaccine COVID-19 trong 4 quận “Khu vực Đỏ”, thông tin từ Bộ Y tế Campuchia cho biết đã có hơn 23.658 người dân tại đây được tiêm chủng sau ngày đầu tiên lực lượng quân y Campuchia triển khai chiến dịch.
Đợt tiêm chủng lần này được thực hiện tại gần 33 phường trên địa bàn 4 quận là Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol. Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine của hãng Sinovac và 400.000 liều của hãng Sinopharm trong kho dự trữ. Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân "Khu vực Đỏ".
Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 gồm ba loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).
Malaysia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể từ Ấn Độ
Ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ.
Ông Adham cho biết biến thể này có tên B.1.617 được phát hiện ở một công dân Ấn Độ tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur song không nói rõ khi nào phát hiện ca nhiễm biến thể này.
Trước đó, hôm 28/4, Malaysia đã cấm các chuyến bay qua lại với Ấn Độ và cấm nhập cảnh đối với mọi du khách từng đến quốc gia Nam Á này nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới.
Quốc gia Đông Nam Á này ngày 2/5 thông báo có thêm 3.418 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 415.012 ca, trong đó có hơn 1.500 ca tử vong.
Philippines có số ca mắc mới cao nhất ASEAN
Philippines thông báo cũng ghi nhận thêm 8.346 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 1.054.983 ca, trong đó có 17.431 ca tử vong (sau khi có thêm 77 ca mới).
Nhiều ngày qua, Philippines liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ASEAN.
Philippines với 110 triệu dân, đã tiến hành xét nghiệm cho trên 11 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay
Trong 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 1.940 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 68.984 ca. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 2/5 cao hơn con số 1.891 ca công bố một ngày trước đó.
Cũng trong 24 giờ qua, số người tử vong do mắc COVID-19 tại Thái Lan đã tăng thêm 21 người, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 245 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người tử vong vì COVID-19 trong một ngày tại Thái Lan ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan đã chuyển hướng tập trung vào các ca nhiễm trong hộ gia đình khi số ca mắc mới giữa các thành viên trong gia đình tiếp tục tăng ở mức báo động. Phần lớn các trường hợp tử vong, với độ tuổi trung bình là 73, đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ gia đình họ.
Bangkok, Chiang Mai, Chon Buri, Samut Prakan và Nonthaburi là 5 tỉnh có số ca nhiễm mới cao nhất trong số 77 tỉnh của Thái Lan. Tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 1/5, Cục Kiểm soát dịch bệnh đã đặt mục tiêu đưa số lượng các ca mắc mới trong 1 ngày ở thủ đô xuống dưới 400, hoặc 8 ca ở mỗi quận, khi thành phố đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát sự lây lan.
Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang đẩy nhanh việc mở rộng bệnh viện dã chiến và bệnh viện-khách sạn (hospitel) để đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba mà địa phương này là tâm điểm.
Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang ngày 2/5 cho biết BMA đang xây dựng bệnh viện dã chiến thứ 5 của thủ đô tại Trung tâm huấn luyện thể thao Chaloem Phrakiat với sức chứa 400 bệnh nhân. Trong khi đó, nhà chức trách cũng đang liên hệ với các khách sạn để mở thêm nhiều bệnh viện-khách sạn.
Singapore, Malaysia hoãn cuộc họp lãnh đạo thường niên do COVID-19
Thông báo chung của Bộ Ngoại giao hai nước Singapore và Malaysia ngày 2/5 cho biết cuộc họp thường niên lần thứ 10 giữa Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 3/5 đã được hoãn lại cho đến cuối năm nay do tình hình dịch COVID-19 tại hai nước đều đang xấu đi.
Thông báo trên được đưa ra ngay sau chuyến thăm Singapore từ ngày 1-2/5 của Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein nhằm thảo luận về các sáng kiến phát triển hơn nữa sự hợp tác song phương cùng có lợi, tập trung vào hợp tác sau đại dịch, các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nước cùng quan tâm.
Singapore đã phải tiến hành siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 do sự gia tăng nhanh các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và xuất hiện của các cụm lây nhiễm mới trong tuần qua.
Tương tự, Malaysia cũng đã tuyên bố sẽ xem xét siết chặt các biện pháp phòng ngừa COVID-19 sau khi số ca lây nhiễm tại nước này tăng vọt trong hai tuần qua.