Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 20/6: Thế giới trong giai đoạn 'mới và nguy hiểm', nhiều bang ở Mỹ tăng kỷ lục ca nhiễm

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 166.258 trường hợp mắc COVID-19 và 4.773 ca tử vong. Đại dịch được cảnh báo đang bước vào một "giai đoạn mới và nguy hiểm", lây lan kỷ lục tại một số bang ở Mỹ và vượt qua ngưỡng 1 triệu ca ở Brazil.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm COVID-19 dã chiến ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 20/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 8.736.243 ca, trong đó có 461.527 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 4.617.507 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 54.790 và 3.656.961 ca đang điều trị tích cực.

Mặc dù đại dịch đã "hạ nhiệt" ở nhiều quốc gia nhưng lại diễn biến bất thường ngay cả ở những nơi được cho là đã kiểm soát thành công. Tình trạng này đã khiến ngày 19/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch COVID-19 đang ở trong “một giai đoạn mới và nguy hiểm” với số ca bệnh mới tăng mạnh trong bối cảnh người dân mệt mỏi với các lệnh phong tỏa.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 15/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Mỹ: Nhiều bang ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục

Ngày 19/6, ba tiểu bang của Mỹ là Arizona, Texas và Florida đều ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục trong ngày, phá vỡ các mức kỷ lục được thiết lập vào các ngày trước đó. Việc gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus SARS-COV-2 mới trong ngày tại 3 tiểu bang trên khiến giới chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại và trở nên mất kiểm soát tại các bang này. Cựu giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb nhận định những bang này đang ở thời điểm bắt đầu mất kiểm soát, tuy nhiên vẫn có 1-2 tuần để đưa ra các biện pháp nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch.

Theo thống đốc các bang, sự gia tăng số ca mắc mới là do số lượng xét nghiệm tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công lưu ý rằng tỉ lệ xét nghiệm dương tính cũng tăng và đây là một dấu hiệu cho thấy sự lây lan của dịch đang gia tăng. Ngoài ra, một dấu hiệu khác cũng cho thấy sự bùng phát trở lại của dịch bệnh là tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng ở bang Arizona và Texas. 

Trong khi đó, tại bang New York "điểm nóng" trước đây của Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 19/6 đã có bài phát biểu thông báo tình hình dịch COVID-19 hằng ngày cuối cùng. Ông Cuomo cảm ơn người dân New York đã tuân thủ các hạn chế và giãn cách xã hội, giúp làm phẳng đường cong dịch, "xoay chuyển 180 độ" tình thế. Bang New York hiện đang mở cửa trở lại, và thành phố New York sẽ bắt đầu giai đoạn 2 mở cửa từ ngày 22/6.

Chú thích ảnh
Du khách thư giãn trên bãi biển Siesta Key, tại Sarasota, bang Florida, Mỹ ngày 17/6. Ảnh: AP

Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, có 8 bang của nước Mỹ đang chứng kiến số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đó là các bang: Arizona, California, Florida, Nevada, Oklahoma, South Carolina, Texas and Utah.

Đến 6h sáng 20/6, nước Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.294.427 ca COVID-19, tăng 30.776 ca trong 24 giờ qua, trong khi số ca tử vong là 121.384 người, tăng 696 ca.

Brazil - quốc gia thứ hai vượt qua ngưỡng 1 triệu ca COVID-19

Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận 54.771 ca COVID-19 mới trong ngày 19/6, đây là một kỷ lục lây nhiễm trong ngày mới, nâng tổng số ca tại Brazil vọt lên 1.032.914. Như vậy Brazil trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ, có trên 1 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Nước này cũng ghi nhận 1.206 ca tử vong trong cùng ngày, nâng tổng số người chết lên con số 48.854.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tơi bệnh viện dã chiến ở Tegucigalpa, Honduras, ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, chính phủ Peru đã cho phép mở cửa trở lại các trung tâm thương mại kể từ ngày 22/6 tới mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc cho phép các trung tâm thương mại được hoạt động trở lại tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc sẽ đi kèm với những quy định chặt chẽ về an toàn vệ sinh dịch tễ, trong đó bắt buộc tất cả mọi người phải sử dụng khẩu trang, giảm 50% số lượng người được có mặt cùng một lúc tại một cửa hàng, giữ khoảng cách 1 m và một số hạn chế khác. Tuy nhiên, trẻ em sẽ không được phép tới các địa điểm này, trong khi các rạp chiếu phim nằm trong khuôn viên các trung tâm thương mại vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Ngoài ra, các quán cà phê và nhà hàng trong các trung tâm thương mại sẽ chỉ được phục vụ cho khách mua hàng mang về nhà. Sắc lệnh trên sẽ có hiệu lực đối với 19 trong tổng số 25 tỉnh và khu vực của Peru. Các địa phương còn lại chưa được phép mở cửa trở lại các trung tâm thương mại do vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cao. 

Còn tại hầu hết các khu vực ở Cuba, các nhà hàng đã mở cửa trở lại, trong khi nhiều gia đình rời khỏi thành phố để đến các bãi biển từ ngày 18/6, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kéo dài 3 tháng qua. Chỉ có khu vực thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas báo cáo có các ca nhiễm mới trong những tuần gần đây.  

Chú thích ảnh
Bác sĩ kiểm tra phim chụp phổi của một bệnh nhân COVID-19 tại Santao Domingo, CH Dominica, ngày 17/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Âu: Họp thượng đỉnh trực tuyến về phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ngày 19/6, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để thảo luận về kế hoạch cho gói kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm khôi phục nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Châu Âu đang là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với hơn 190.000 ca tử vong trong gần 2,5 triệu ca mắc. Liên minh châu Âu (EU) hiện phải đối mặt với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử 63 năm, và các nước đang chịu sức ép phải tìm cách để vực dậy nền kinh tế của khối. Trung tâm của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này là đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc thành lập một quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (840 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các nước vượt qua suy thoái do đại dịch. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phía trên) và lãnh đạo các nước EU họp thượng đỉnh trực tuyến về kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 ngày 19/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Anh, giới chức y tế hàng đầu của nước này đã nhất trí hạ mức cảnh báo dịch COVID-19 xuống một nấc sau khi dịch bệnh theo chiều hướng cải thiện. Theo đó, Trung tâm An ninh sinh học chung của Anh đã khuyến nghị hạ cảnh báo dịch COVID-19 từ mức 4 (mức đánh giá dịch đang lây lan, tình trạng lây nhiễm cao hoặc đang gia tăng mạnh) xuống mức 3 - dịch bệnh nhìn chung đang lây lan. 

Hungary đã chuyển sang "tình trạng chuẩn bị nghiên cứu bệnh dịch" thay cho tình trạng khẩn cấp mà nước này áp đặt từ ngày 11/3. Tình trạng chuẩn bị nghiên cứu bệnh dịch sẽ có hiệu lực đến ngày 18/12 tới nhưng Chính phủ Hungary sẽ xem xét lại sự cần thiết của cơ chế này 3 tháng 1 lần. Với sự thay đổi cơ chế này, cuộc sống gần như trở lại bình thường ở Hungary. Theo đó dỡ bỏ quy định giờ mua sắm dành riêng cho người trên 65 tuổi (từ 9h sáng đến 12h trưa); cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tối đa 500 người và người dân có thể tự do đi xem bóng đá. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với những người làm việc trong không gian kín và người đi mua sắm.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng dịch COVID-19 tại một cửa hàng cắt tóc ở thủ đô Prague, CH Séc ngày 13/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Italy: SARS-CoV-2 đã xuất hiện từ cuối năm ngoái

Virus SARS-CoV-2 COVID-19 đã xuất hiện tại hai thành phố lớn ở miền Bắc Italy từ tháng 12 năm ngoái, hơn hai tháng trước khi trường hợp đầu tiên được phát hiện. Đây là phát hiện được Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) công bố ngày 19/6.  Các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết di truyền của virus SARS-CoV-2 - thời điểm khi virus này chính thức được biết tới - trong các mẫu nước thải được thu thập ở Milan và Turin vào cuối năm ngoái, và ở Bologna vào tháng Một năm nay. Trong khi đó, ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Italy được phát hiện vào giữa tháng Hai.

Thụy Sĩ cho phép sự kiện có 1.000 người tham gia

Ngày 19/6, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết, từ tuần tới, nước này sẽ cho phép tổ chức trở lại các sự kiện có 1.000 người tham gia. Quyết định được đưa ra sau khi số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở nước này đang có chiều hướng giảm. Theo thông báo, kể từ ngày 22/6, hầu hết các biện pháp được Chính phủ Thụy Sĩ áp đặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn sẽ vẫn được duy trì đến cuối tháng Tám tới.

Chú thích ảnh
Quán cà phê bên hè phố ở Paris, Pháp, đang đông đúc trở lại. Ảnh: AFP

Ba Lan dỡ bỏ hạn chế về giãn cách trên máy bay

Cùng ngày, Ba Lan dỡ bỏ hạn chế đối với ngành hàng không dân dụng, theo đó từ ngày 1/7 cho phép các máy bay vận chuyển 100% công suất, không yêu cầu hành khách phải ngồi giãn cách.  Chính phủ Ba Lan đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19 và từ ngày 13/6 mở cửa trở lại đường biên giới với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU). 

Dịch lây lan đáng ngại ở Đông Âu

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu đã cảnh báo tình hình lo ngại do số ca lây nhiễm và số ca mắc COVID-19 tăng tại Đông Âu với tỷ lệ lây nhiễm lũy kế đã tăng hơn 3 lần, từ 6 lên 21 nước. Theo văn phòng trên, dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều nước, do đó các chính phủ cần tiếp tục quá trình phục hồi và tái thiết nhưng vẫn duy trì cảnh giác và thận trọng khi nới lỏng phong tỏa. WHO nhắc lại bài học của một số nước đã ghi nhận nhiều ổ dịch địa phương sau khi mở cửa lại trường học. Các nước Đông Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm gia tăng như Slovenia, Croatia, CH Séc... 

Nga chuẩn bị tung ra thị trường thuốc điều trị COVID-19 thể nhẹ

Chú thích ảnh
Xe cộ đi lại đông đúc ở Moscow khi thành phố nới lỏng nhiều hạn chế. Ảnh: Moscow Times

Nhà máy sản xuất thuốc thành phẩm ở Yaroslavl, Nga ngày 19/6 cho biết thuốc Coronavir điều trị các dạng nhiễm virus SARS-CoV-2 thể nhẹ sẽ được tung ra thị trường với số lượng khoảng 150.000 gói vào tháng 7 tới. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova hôm 18/6 đã bày tỏ hy vọng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt tại Nga trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 9.

Nga ghi nhận 7.972 ca nhiễm COVID-19 trong vòng 1 ngày qua, đưa tổng số bệnh nhân lên 569.063 người. Cũng trong 24 giờ qua tại Nga có thêm 181 người tử vong, nâng tổng số người tử vong vì COVID-19 lên 7.841 người.

Theo hãng tin RT, cựu Tổng thống Cộng hòa Chuvashia thuộc Nga Mikhail Ignatiev, 59 tuổi, vừa qua đời vì bệnh COVID-19. 

Israel: "Dịch bệnh đang quay trở lại"

Cùng ngày 19/6, Bộ Y tế Israel thông báo có thêm 288 ca mới dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 20.243 ca. Trước đó, ngày 18/6 Israel đã trải qua ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 23/4, với 305 ca. Tổng số ca tử vong hiện vẫn ở mức 304 ca, trong khi có 15.532 ca đã hồi phục. 

Chú thích ảnh
Khẩu trang tự diệt virus SARS-CoV-2 bằng nhiệt được sản xuất tại thành phố Haifa, Israel ngày 15/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình trạng số ca bệnh vẫn tiếp tục tăng nhanh, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ không nới lỏng thêm bất kỳ hạn chế nào. Tổng vụ trưởng Y tế nước này, Hezi Levi cảnh báo dịch bệnh đang quay trở lại và ngành y tế Israel đã sẵn sàng thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm ngăn chặn đợt lây nhiễm mới.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Israel quyết định cho phép mở cửa trở lại các nhà hát, rạp chiếu phim với số lượng khách tối đa 250 người. Bên cạnh đó, ngành đường sắt cũng sẽ hoạt động trở lại kể từ ngày 22/6 tới sau nhiều tháng ngừng vận hành, song yêu cầu tất cả các hành khách phải đeo khẩu trang.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt người dân sống trong một khu ổ chuột ở Mumabai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ấn Độ sắp khánh thành "siêu bệnh viện" điều trị COVID-19

Một trung tâm điều trị COVID-19, được mô tả là một "siêu bệnh viện", đang được xây dựng tại thủ đô New Delhi, dự kiến hoàn thành cuối tháng 6 này và có khả năng điều trị cho 10.000 bệnh nhân. Khoảng 10% giường bệnh được trang bị hỗ trợ thở ôxy.

New Delhi hiện đang chứng kiến số ca nhiễm virus tăng mạnh. Thành phố hiện ghi nhận 49.979 ca nhiễm, trong đó có 1.969 ca tử vong. Ngoài xây bệnh viện mới, thành phố còn huy động khoảng 50 toa tàu, với 800 giường bệnh, phục vụ điều trị và cách ly bệnh nhân.

Trong ngày 19/6, Ấn Độ báo cáo có thêm 14.721 ca COVID-19, tổng số người bệnh hiện là 395.812, trong đó có 12.970 ca tử vong, tăng 366 ca trong 24 giờ qua.

Chú thích ảnh
Chôn cất thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 16/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày

Ngày 19/6, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 83.325 ca. Trước nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á ở quận Phong Đài và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến, nhà chức trách đang siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh vừa ban bố một loạt quy định  cấm rời thủ đô đối với các trường hợp thuộc 3 nhóm.

Chú thích ảnh
 Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngành hàng không và đường sắt dân dụng Trung Quốc cũng áp đặt nhiều hạn chế trong việc mua vé đối với các ca mắc, các ca nghi ngờ hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 và những người tới chợ Tân Địa Phát.

Cùng ngày 19/6, Clover Biopharmaceuticals - công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc, thông báo đang tiến hành giai đoạn thử nghiệm ban đầu trên người một loại vaccine có khả năng phòng bệnh COVID-19. Dự kiến, loại vaccine này sẽ ra mắt vào tháng Tám tới. 

Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế đi lại trong nước

Trong khi đó, Nhật Bản đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đi lại trong nước nhằm khôi phục nền kinh tế chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19, song người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Chính phủ Nhật Bản cũng đã cho phép các sự kiện, các hoạt động trong nhà và ngoài trời thu hút tối đa 1.000 người tham dự. 

Chú thích ảnh
gười dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 14/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại thủ đô Tokyo khi tình hình dịch bệnh tại đây đang có những chuyển biến tích cực, chính quyền thành phố đã bắt đầu dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh và hủy bỏ yêu cầu đóng cửa tạm thời đối với các địa điểm phục vụ nhạc sống, các hộp đêm và những cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tương tự.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài bưu điện ở Manila, Philippines, ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore cho biết, ngày 19/6 nước này ghi nhận 142 ca nhiễm virus, nâng tổng số ca bệnh lên 41.615 trường hợp. Trong số các ca nhiễm mới có một trường hợp duy nhất lây nhiễm cộng đồng liên quan đến một tù nhân trong chuyến thăm xã hội. Con số bệnh nhân nhiễm mới trong ngày 19/6 là thấp nhất kể từ ngày 8/4. Đa số người mắc bệnh vẫn các công nhân nhập cư.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Indonesia, sau ba tháng điều hành các phiên họp điều hành nội các qua mạng do các lệnh hạn chế phòng chống dịch lây lan, Tổng thống Joko Widodo ngày 19/6 cho biết ông sẽ đi làm trực tiếp trở lại trong tuần tới. 

Indonesia đang chuyển sang trạng thái "bình thường mới" với việc nới lỏng một số hạn chế bất chấp số ca lây nhiễm vẫn ở mức đang ở mức đáng ngại. Ngày 19/6, Indonesia ghi nhận 1.041 ca nhiễm virus mới, nâng tổng số người bệnh lên 43.803, vượt khá xa Singapore. Cùng ngày, nước này có thêm 34 ca tử vong và hiện số trường hợp tử vong là 2.373, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Công nhân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Singapore ngày 10/6/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết 19/6: Indonesia vẫn trên 1.000 ca nhiễm/ngày; Phó Thủ tướng Thái Lan thử vaccine COVID-19
Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết 19/6: Indonesia vẫn trên 1.000 ca nhiễm/ngày; Phó Thủ tướng Thái Lan thử vaccine COVID-19

Trong 24 giờ qua các nước ASEAN ghi nhận 1.884 ca mắc bệnh COVID-19. Sau khi vượt qua Singapore, Indonesia tiếp tục trải qua một ngày có trên 1.000 ca nhiễm virus, nhưng vẫn tích cực chuyển sang trạng thái "bình thường mới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN