Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 120.000 ca mắc COVID-19 mới và 799 ca tử vong. Đây là những con số cao nhất thế giới. Tổng số ca bệnh ở Mỹ đã là trên 12,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 262.000 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và ca tử vong cao nhất.
Đứng sau Mỹ về số ca mắc trong 24 giờ qua cao Ấn Độ (43.652 ca) và Italy (28.337 ca).
Hai quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua chỉ sau Mỹ là Italy (562 ca) và Mexico (550 ca).
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trong cuộc chiến cấp bách chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Trong khi đó, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp một loại kháng thể tổng hợp do công ty công nghệ sinh học Regeneron bào chế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Loại kháng thể tổng hợp này kết hợp 2 kháng thể mạnh kiểm soát lây nhiễm, qua đó bệnh nhân không cần phải thăm khám y tế nhiều trong thời gian mắc bệnh. Kháng thể của Regeneron chỉ được sử dụng điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và có nguy cơ cao bệnh diễn biến nặng hơn. Có bằng chứng kháng thể này có tác dụng tốt nhất vào giai đoạn đầu mắc bệnh, trước khi virus lan ra toàn cơ thể. Kháng thể của Regeneron không được dùng cho những người đã nhập viện hoặc phải sử dụng máy trợ thở.
Châu Âu
Nga, Đức và Bulgaria tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 duy trì đà tăng.
Tính đến 6 giờ sáng 23/11 (giờ Việt Nam), châu lục này ghi nhận trên 15,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tương đương 27% tổng số ca nhiễm toàn cầu. Đây là châu lục có số ca nhiễm cao thứ hai thế giới, sau châu Á (15,7 triệu ca). Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng số ca nhiễm mới hiện nay, châu Âu nhiều khả năng sớm trở thành "tâm chấn" dịch bệnh, bất chấp nhiều nước đã đẩy mạnh các biện pháp ứng phó.
Trong 24 giờ qua, Nga, Đức và Bulgaria tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Tại Nga, tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên tới 2,08 triệu ca, sau khi xác nhận 24.581 trường hợp dương tính trong ngày 22/11. Nga hiện là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai tại châu Âu, sau Pháp (2,12 triệu ca).
Đức ngày 22/11 thông báo 13.840 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại Đức là 932.111 người.
Các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh phong tỏa từng phần trong vòng 1 tháng, áp dụng từ ngày 2/11 nhằm ứng phó với làn sóng thứ hai của COVID-19 tại Đức, sắp hết hạn. Một số chính trị gia Đức cho rằng ở thời điểm hiện tại, khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh không giảm, Đức sẽ cần gia hạn các biện pháp hiện nay.
Trả lời tuần báo Bild am Sonntag ngày 22/11, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhấn mạnh diễn biến dịch bệnh hiện nay cho thấy các biện pháp hạn chế đang được áp dụng cần được gia hạn sau ngày 30/11.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) ở bang Bavaria, ông Markus Soeder cho rằng các biện pháp đang được triển khai cần được gia hạn 3 tuần, tức đến ngày 20/12. Ông Soeder nhận định làn sóng dịch mới tại Đức đang bị bẻ gãy, tuy nhiên, trên thực tế số ca nhiễm mới vẫn chưa giảm, thay vào đó, bệnh viện và các cơ sở y tế liên tục tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân và số ca tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng. Từ thực tế này, ông cho rằng Đức không thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đang được áp dụng.
Theo các biện pháp hiện hành, quán rượu, nhà hàng ở Đức phải đóng cửa, trong khi trường học và các cửa hàng vẫn hoạt động. Các sự kiện tập trung không quá 10 người của 2 gia đình vẫn được phép diễn ra. Ông Soeder cho rằng cần tiếp tục đóng cửa rạp chiếu phim, quán rượu và khách sạn, ngoài ra còn cấm bắn pháo hoa và cấm sử dụng rượu, bia vào đêm Giao thừa mừng Năm mới tại các khu quảng trường lớn.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp lãnh đạo các bang vào ngày 25/11 để thảo luận về quyết định có hay không tăng cường các biện pháp hạn chế hoặc gia hạn các biện pháp hiện hành đến tháng 12.
Tại Bulgaria, nước này ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp 3 lần trong gần 4 tuần qua, lên 121.820 ca (tính đến sáng 23/11). Bộ Y tế Bulgaria cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.123 ca nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có việc phân bổ vaccine phòng ngừa COVID-19. Bà nhấn mạnh chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19. Để có thể kiểm soát đại dịch, cần tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc.
Bồ Đào Nha cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã công bố lệnh cấm tự do đi lại giữa các thành phố trong 2 ngày lễ sắp tới ở nước này là Ngày Khôi phục độc lập (1/12) và Ngày của Mẹ (8/12).
Lệnh cấm tự do đi lại có hiệu lực từ ngày 28/11 đến ngày 2/12 và từ ngày 4/12 đến ngày 9/12, nằm trong số một loạt biện pháp mới trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp mà Chính phủ Bồ Đào Nha dự kiến khôi phục và có hiệu lực từ ngày 2411 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Trong số các biện pháp mới có quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, đình chỉ mọi hoạt động giảng dạy vào ngày 30/11 và 7/12, trước thềm 2 ngày lễ trên.
Anh chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa vùng England
Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ xác nhận lệnh phong tỏa trên khắp vùng England chấm dứt vào ngày 2/12.
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Anh, sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, Chính phủ sẽ áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế gồm 3 cấp tại England trong khuôn khổ "Kế hoạch phòng COVID-19 mùa Đông". Thông báo chính thức sẽ được công bố vào ngày 23/11.
Theo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh, lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn vùng England đã giúp kiểm soát được dịch bệnh và giảm bớt áp lực cho Cơ quan y tế quốc gia (NHS).
Tuy nhiên, Chính phủ Anh cũng cảnh báo rằng nếu không triển khai các biện pháp hạn chế ở khu vực này, dịch bệnh có thể gia tăng trước khi các kế hoạch phân phối vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm hàng loạt có thời gian phát huy hiệu quả, và như vậy sẽ phá hỏng những tiến bộ mà nước này đạt được trong nỗ lực phòng chống dịch và một lần nữa gây áp lực cho NHS.
Đầu tháng này, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa trong 4 tuần tại vùng England nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ hai. Theo đó, người dân phải ở trong nhà, các cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa. Lệnh phong tỏa này theo kế hoạch có hiệu lực đến hết ngày 2/12.
Châu Á
Hàn Quốc nâng cấp độ giãn cách xã hội tại vùng Seoul
Ngày 22/11, Hàn Quốc quyết định siết chặt hơn các quy định về giãn cách xã hội đối với vùng thủ đô Seoul và khu vực Đông Nam, trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực giải quyết tình trạng gia tăng số ca COVID-19 ở nước này.
Cụ thể, mức giãn cách xã hội cấp độ 2, mức cao thứ ba trong hệ thống cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp ở nước này, sẽ được áp dụng tại vùng thủ đô Seoul, trong khi tỉnh North Jeolla và South Jeolla sẽ ở cấp độ 1,5 trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 24/11.
Theo cấp độ 2, các cuộc tụ tập từ 100 người trở lên sẽ bị cấm, trong khi những cơ sở có xu hướng dễ lây nhiễm như câu lạc bộ ban đêm... đều phải ngừng hoạt động. Các nhà hàng chỉ được phép phục vụ cho đến 21h với dịch vụ giao đồ ăn tận nhà hay cho khách hàng tự mang về. Các cơ sở thể thao trong nhà như phòng tập thể dục, câu lạc bộ bida phải ngừng hoạt động sau 21h, các sự kiện thể thao chỉ được phép có số người tham dự ở mức 10% sức chứa tối đa...
Theo cấp độ 1,5, người dân vẫn được phép tiến hành các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh và người dân được yêu cầu tuân thủ các quy định phòng dịch đã được siết chặt.
Trước đó, ngày 19/11, giới chức y tế đã nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 1,5 tại vùng thủ đô Seoul. Tuy nhiên, số ca nhiễm hằng ngày không có dấu hiệu thuyên giảm, dẫn tới quyết định siết chặt hơn các biện pháp hạn chế.
Theo giới chức y tế Hàn Quốc, các biện pháp trên nhằm chặn đà gia tăng số ca nhiễm trước khi nước này bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học vào ngày 3/12 tới, cũng như ngăn ngừa dịch lây lan mạnh trong mùa Đông.
Ngày 22/11, Hàn Quốc ghi nhận thêm 330 ca nhiễm mới (trong đó có 302 ca lây nhiễm trong nước), trở thành ngày thứ năm liên tiếp có số ca nhiễm trong ngày vượt trên 300 ca.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đến nay ghi nhận tổng cộng 30.733 ca mắc COVID-19, trong đó có 505 ca tử vong (sau khi có thêm 2 ca tử vong mới).
Nhật Bản có thể hạn chế số người tham gia sự kiện
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết nước này sẽ áp đặt trở lại mức hạn chế số người tham dự sự kiện thể thao hay các sự kiện lớn khác nhằm kiềm chế dịch COVID-19 đang lây lan mạnh.
Trong chương trình tọa đàm trên Đài phát thanh và truyền hình NHK, Bộ trưởng Nishmura cho biết mức giới hạn sẽ được áp dụng tại những vùng có số ca nhiễm tăng mạnh. Những tháng gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng quy định giới hạn số người tham gia sự kiện, vốn được áp đặt hồi đầu năm nay.
Chính phủ cũng đang xem xét phương án hoàn lại tiền cho các khách hàng đặt tua du lịch thông qua chương trình du lịch nội địa, đã bị hoãn một phần vào ngày 21/11.
Theo NHK, Nhật Bản ngày 22/11 ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước tới nay, với 2.596 trường hợp. Riêng tại Tokyo, số ca nhiễm là 539.
ASEAN ghi nhận 7.449 ca mắc mới
Trong ngày 22/11, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 7.449 ca mắc COVID-19 và 156 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.112.998 ca, trong đó 26.190 người tử vong.
Trong ngày 22/11, số ca mắc mới chủ yếu tập trung ở Indonesia, Philippines và Malaysia. Singapore và Thái Lan ghi nhận trên 10 ca mắc. Campuchia thêm một ca mắc mới.
Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 4.360 ca, nâng tổng số ca lên 497.668 ca; số ca tử vong tăng thêm 110 ca, nâng tổng số ca lên lên 15.884 ca. Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong mới cao nhất ASEAN trong ngày 22/11.
Đứng thứ hai là Philippines. Bộ Y tế Philippines công bố thêm 1.968 ca mắc trong ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 418.818 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 43 ca, lên 8.123.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý chấm dứt lệnh cấm nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc.
Bộ trưởng Lao động Silvestre Bello cho biết COVID-19 đã lây lan chậm hơn và tình hình đang cải thiện, vì thế chính phủ có thể để nhân viên y tế ra nước ngoài.
Philippines là nước ASEAN có số ca COVID-19 cao thứ hai, nhưng số ca mắc và tỷ lệ tử vong hàng ngày đã giảm.
Trước đó, để đảm bảo Philippines có đủ nhân viên y tế để chống đại dịch trong nước, chỉ 5.000 nhân viên y tế được ra nước ngoài mỗi năm. Năm 2019, gần 17.000 y tá đã ký hợp đồng lao động ở nước ngoài. Chính phủ đã cấm tạm thời nhân viên y tế rời nước từ hồi tháng 4. Tháng 9, hàng nghìn người đã kêu gọi chính phủ cho phép họ làm việc ở nước ngoài. Y tá cho biết họ được trả lương thấp, không được coi trọng và bảo vệ ở Philippines.
Nhân viên y tế Philippines đang trên tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông…
Đứng thứ ba ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/11 là Malaysia. Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 1.096 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 54.775 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Malaysia ghi nhận số ca mắc ở bốn con số.
Selangor đã trở thành bang có số ca mắc mới cao nhất ngày 22/11 với 603 ca. Đây là số ca mắc hàng ngày cao nhất ở bang đông dân nhất này từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1. Kỷ lục trước đó là 407 ca vào ngày 19/11.
Tổng giám đốc cơ quan y tế Malaysia cho biết 536 ca ở bang Selangor là thuộc các chùm ca bệnh hiện nay, còn 39 ca được phát hiện từ các địa điểm khác.
Trong khi đó, Campuchia đã ghi nhận một ca dương tính với COVID-19 ngày 22/11. Người này đã ở trung tâm cách ly gần 4 tuần từ khi về từ Nhật Bản. Thanh niên 27 tuổi này về thủ đô Phnom Penh ngày 26/10 và ở trung tâm cách ly từ đó vì 4 hành khách cùng chuyến bay đã xét nghiệm dương tính ngày 27/10 và 8/11.
Vào ngày cách ly thứ 13, người này được lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 4 và kết quả là dương tính với COVID-19. Bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm y tế Chak Angre ở nam Phnom Penh. Campuchia đang điều trị 11 ca bệnh.