Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 83.000 ca), Ấn Độ (46.715 ca) và Pháp (35.641 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (899 ca), Mexico (516 ca) và Ấn Độ (468 ca).
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh đại dịch này vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Cuộc họp do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) nhằm xem xét tình hình dịch bệnh và tiến bộ đã đạt được theo những khuyến cáo hiện nay. Ủy ban trên cho rằng đại địch tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Ủy ban cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể để WHO và các nước tập trung triển khai trong những tháng tới, trong đó có các biện pháp phối hợp chặt chẽ có tính đến rủi ro và dựa trên thông tin xác thực liên quan đến hoạt động đi lại quốc tế, những nỗ lực giám sát và truy vết, đồng thời duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như chuẩn bị các kế hoạch cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 trong tương lai.
Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia tránh chính trị hóa công tác ứng phó với đại dịch, động thái được cho là gây tổn hại lớn đối với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng Giám đốc Tedros kêu gọi các nước tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế và nhân lực trong ngành này, đồng thời cải thiện khả năng xét nghiệm, truy vết và chữa trị cho tất cả các bệnh nhân.
Châu Mỹ
Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 83.000 ca mắc mới và 899 ca tử vong - cao nhất thế giới.
Một ngày trước đó, ngày 30/10, số ca nhiễm mới tại Mỹ đã vượt 100.000 ca - cũng là mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là mức cao nhất trên toàn thế giới, vượt con số 97.894 ca mà Ấn Độ ghi nhận hồi tháng 9. Trong 10 ngày qua, số ca mắc mới tại Mỹ đã 5 lần vượt con số 77.299 ca - mức cao nhất trong 1 ngày ghi nhận hồi tháng 7. Số người nhiễm mới trong 2 ngày qua cho thấy cứ mỗi giây Mỹ lại có hơn 1 ca nhiễm mới.
Có tới 16 bang ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 1 ngày, trong khi 13 bang có số bệnh nhân nhập viện vì mắc COVID-19 cao chưa từng có. Trong khi đó, số ca tử vong trong ngày 30/10 tại Mỹ là trên 1.000 người. Đây là lần thứ 3 trong vòng 1 tháng, số người không qua khỏi vì COVID-19 lên mức cao nhất trong 1 ngày.
Tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã lên tới hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 3% dân số, trong đó có trên 236.000 trường hợp không qua khỏi. Số bệnh nhân nhập viện trong tháng 10 cũng tăng hơn 50% lên mức 46.000 người - mức cao nhất kể từ giữa tháng 8.
Canada gia hạn quy định hạn chế nhập cảnh
Canada đã gia hạn quy định hạn chế nhập cảnh đối với những người đến nước này với mục đích không thiết yếu đến cuối tháng 11 tới, trong khi nới lỏng cơ chế cách ly đối với một số cộng đồng ở khu vực biên giới Canada - Mỹ.
Lệnh cấm nhập cảnh được áp đặt từ giữa tháng 3. Những trường hợp được phép nhập cảnh Canada mặc dù có lệnh cấm này là những lao động thiết yếu, sinh viên, vợ/chồng, con, bố mẹ hoặc người giám hộ của công dân Canada, nhưng phải thực hiện cách ly 14 ngày ngay khi đến. Tuy nhiên, Bộ trưởng An ninh Công cộng Bill Blair cho biết sẽ có "một số điều chỉnh thực tế" nhằm cho phép người dân ở khu vực biên giới Canada-Mỹ được tiếp cận những nhu cầu cần thiết như thực phẩm, chăm sóc y tế mà không phải cách ly sau mỗi chuyến đi. Canada và Mỹ từng có một thỏa thuận riêng cấm hoạt động qua lại không thiết yếu giữa hai nước, nhưng thỏa thuận này đã hết hiệu lực cách đây 1 tuần trước.
Chính phủ Canada cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này có thể tăng lên 8.000 ca/ngày vào đầu tháng 12 tới. Tuy nhiên, nếu người dân Canada giảm 25% tần suất tiếp xúc, con số đó sẽ giảm xuống dưới 2.000 ca/ngày. Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada, bà Theresa Tam kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc, duy trì giãn cách xã hội ở các địa điểm công cộng. Ngoài ra, bà cũng khuyến nghị cần có thêm các biện pháp hạn chế và đóng cửa ở các khu vực đang gia tăng số ca nhiễm mới.
Thủ tướng Justin Trudeau cũng kêu gọi người dân Canada tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về y tế công cộng, đặc biệt là việc giữ khoảng cách và giảm tiếp xúc gần với người khác.
Hiện Canada ghi nhận 10.163 ca tử vong trong tổng số 234.433 ca nhiễm.
Châu Âu
Số ca mắc hàng ngày tại các nước vẫn ở mức cao
Ukraine thông báo ghi nhận 8.752 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay tại nước này, đưa tổng số người mắc bệnh lên 387.481.
Với 21.897 ca mắc mới, Ba Lan cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 1 ngày. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới tại quốc gia Đông Âu này liên tục tăng lên các mức cao mới. Tính đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 362.731 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.631 trường hợp không qua khỏi.
Hungary cũng thông báo 3.908 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước tới nay tại nước này. Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 4.000 người. Số ca tử vong hiện là 1.750 ca.
Tại Đức, trong 24 giờ qua, đã ghi nhận thêm 14.070 ca mắc COVID-19 và 60 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 531.790 và 10.583.
Trong khi đó, với 18.140 ca mắc mới và 334 người không qua khỏi, tổng số ca nhiễm và tử vong do mắc COVID-19 tại Nga hiện đã lên lần lượt là 1.618.116 và 27.990.
Bộ Y tế Italy ngày 31/10 cho biết trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục 31.758 trường hợp cùng với 297 ca tử vong. Đây là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19 và cao hơn so với 31.084 ca của ngày 30/10. Tính đến nay, Italy đã ghi nhận tới 679.430 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 38.618 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế CH Séc, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 6.722 ca mắc COVID-19 và 119 trường hợp tử vong. Tính đến nay, CH Séc có 330.445 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.197 trường hợp không qua khỏi.
Thống kê cho thấy kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm nay tại châu Âu, "Lục địa Già" đã ghi nhận hơn 9,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 265.000 trường hợp không qua khỏi. Châu lục với 52 quốc gia này hiện cũng là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ Latinh và Caribe (11,2 triệu ca) và châu Á (10,5 triệu ca).
Nhiều nước siết chặt phòng dịch
Iceland đã yêu cầu các quán bar và vũ trường ở nước này đóng cửa và hạn chế tập trung đông người nơi công cộng từ 10 người trở lên, thay vì 20 người như trước đây, nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19. Iceland cũng yêu cầu các nhà hàng đóng cửa từ 21h tối hằng ngày và cấm tất cả các hoạt động thể thao tổ chức trong nhà cũng như ngoài trời, ngoại trừ các cuộc thi đấu quốc tế. Quy định này có hiệu lực từ ngày 31/10 đến 17/11 tới. Tuy nhiên, các trường học vẫn được mở cửa.
Trong tháng này, Iceland đã vài lần tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh sau khi gia tăng các ca nhiễm mới. Hiện Iceland ghi nhận tổng cộng 4.865 ca nhiễm, trong đó 13 ca tử vong.
Anh và Thụy Điển cũng đang cân nhắc tăng cường các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, hàng trăm người biểu tình phản đối các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới của chính phủ. Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát.
Hy Lạp đã quyết định gia hạn thêm 1 tháng các biện pháp hạn chế, trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cân nhắc áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn vùng England nhằm khống chế dịch bệnh.
Theo truyền thông Hy Lạp, giới chức nước này quyết định sẽ gia hạn thêm lệnh giới nghiêm ban đêm, đóng cửa các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập thể dục tại các khu vực đông dân nhất trong vòng 1 tháng, từ ngày 3/11. Lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 24h00' đến 5h00', vốn hiện chỉ được áp dụng tại những khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất, sẽ được mở rộng ra trên cả nước.
Trong 24 giờ qua, Hy Lạp đã ghi nhận thêm 2.055 ca mắc COVID-19 - mức cao chưa từng có tại nước này, và 6 người tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 39.251 và 626.
Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng nước này Boris Johnson đang cân nhắc áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn vùng England vào tuần tới, sau khi các nhà khoa học cho biết virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh hơn dự báo.
Dịch bệnh đã lây lan ra hầu hết các khu vực của Anh, với tổng số người không qua khỏi là 46.555 - mức cao nhất trên toàn châu Âu. Theo kế hoạch, Thủ tướng Johnson sẽ tiến hành họp báo công bố các biện pháp mới trong ngày 2/11.
Châu Á
Tốc độ lây nhiễm tại Ấn Độ giảm 50% so với đỉnh dịch
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ ngày 31/10 ghi nhận 46.715 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số người nhiễm ở nước này lên 8,18 triệu, trong đó 122.149 trường hợp tử vong. Số ca dương tính đang được điều trị giảm xuống còn 582.649 ca trong khi hơn 7,43 triệu người đã được chữa khỏi. Tỷ lệ bình phục trên cả nước tăng lên 91,4%.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Ấn Độ tiếp tục ở dưới ngưỡng 50.000 ca trong vài ngày qua. Như vậy, tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở quốc gia Nam Á này hiện đã giảm 50% so với mức đỉnh điểm vào giữa tháng 9 vừa qua. Ngày 29/10 nước này ghi nhận số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày ở mức 47.216 ca/ngày, bằng khoảng 1/2 so với lúc đỉnh điểm 93.735 ca/ngày ghi nhận ngày 17/9 với. Số ca tử vong theo ngày cũng giảm mạnh, với trung bình trong 7 ngày lúc đỉnh điểm là 1.176 người/ngày ghi nhận ngày 19/9. Đến ngày 29/10, con số này đã giảm hơn 50% xuống còn 543 người/ngày.
Trong khi đó, dịch bệnh tại thủ đô New Delhi đang có xu hướng bùng phát mạnh. Kể từ ngày 28/10, New Delhi đã ghi nhận hơn 5.000 ca/ngày, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây dường như là dấu hiệu cho thấy thủ đô của Ấn Độ có thể đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ ba. Hôm 30/10, New Delhi đã ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất từ trước đến nay với 5.891 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 381.644 người.
Hàn Quốc ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trên 100
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 31/10 cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở nước này ở mức trên 100 ngày thứ 4 liên tiếp, khi các ổ dịch nhỏ lẻ trên cả nước tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Theo KDCA, Hàn Quốc có thêm 127 ca mắc mới COVID-19, trong đó 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 26.511 ca. Trong 3 ngày trước đó, Hàn Quốc đều thông báo số ca mắc mới trên 100 mỗi ngày. Hầu hết các ca nhiễm mới là lây nhiễm ở các viện dưỡng lão, bệnh viện và các cơ sở khác, nhưng các ổ dịch nhỏ lẻ vẫn được báo cáo rải rác trên cả nước.
Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng quy định giãn cách xã hội xuống mức thấp nhất trong hệ thống quy định 3 cấp độ vào ngày 12/10, số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này tăng dao động quanh mức 100 ca/ngày. Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở nước này khi người dân đi du lịch vào mùa Thu. Họ cũng quan ngại người dân sẽ tụ tập tại các khu vui chơi giải trí trong dịp lễ hội hóa trang Halloween vào ngày 31/10 làm tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng lên 464 ca sau khi có thêm 1 ca. Tỷ lệ tử vong tại Hàn Quốc là 1,75%.
Trung Quốc có 33 ca nhiễm mới
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết có 33 ca nhiễm mới tại Trung Quốc, trong đó 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Số liệu của ủy ban trên cho biết tại Trung Quốc cũng có thêm 17 bệnh nhân COVID-19 hồi phục, hiện còn 355 ca đang được điều trị, trong đó 9 ca bệnh nặng.
Bên cạnh đó, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục phát hiện thêm 38 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó 23 ca nhập cảnh. Hiện cơ quan chức năng đang theo dõi y tế đối với 611 ca nhiễm không triệu chứng, trong đó 449 ca nhập cảnh.
Tính đến hết ngày 31/10, Trung Quốc có tổng cộng 85.973 ca mắc COVID-19, trong đó có 80.984 ca đã bình phục và 4.634 ca tử vong.
Đông Nam Á: Indonesia vẫn là điểm nóng
Tính đến hết ngày 31/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 938.536 ca mắc COVID-19 trong đó có 22.676 ca tử vong và 785.907 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 3.100 ca/ngày; còn Myanmar vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số, nâng tổng số ca mắc lên trên 52.000 ca và trên 1.200 ca tử vong.
Tình hình Malaysia cũng vẫn phức tạp với 659 ca nhiễm mới trong ngày 31/10, nhưng không có thêm ca tử vong. Thái Lan và Singapore chỉ còn ghi nhận lần lượt 5 và 12 ca nhiễm mới, đều là các ca nhập cảnh.