Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 28/8: Ấn Độ lại có số ca mắc hàng ngày kỷ lục; Mỹ vượt 6 triệu ca bệnh

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận trên 242.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.500 ca tử vong.

Nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong 24 giờ qua tiếp tục là Ấn Độ với 76.826 ca – con số hàng ngày cao kỷ lục ở nước này. Trước đó, chỉ có Mỹ từng ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao hơn.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai và ba thế giới về ca mắc trong 24 giờ qua là Mỹ và Brazil - hai nước đều có trên 39.000 ca.

Về số ca tử vong trong 24 giờ qua, Ấn Độ đứng đầu thế giới với 1.065 ca, tiếp đó là Mỹ với 999 ca, Brazil với 893 ca.

Tính tới nay, tổng số ca bệnh trên toàn thế giới là trên 24,5 triệu ca, trong đó trên 834.000 người tử vong.

Trong tình hình dịch hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần làm xét nghiệm y tế cho những người tiếp xúc với các trường hợp được chẩn đoán mắc COVID-19, cho dù họ có triệu chứng hay không. Khuyến cáo này được WHO đưa ra sau khi giới chức y tế Mỹ nói rằng việc làm này là không cần thiết.

Châu Mỹ: Mỹ ghi nhận trên 6 triệu bệnh nhân

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Miami Beach, bang Florida, Mỹ ngày 24/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến 6 giờ sáng 28/8 (giờ Việt Nam), số bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ đã ở mức 6 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này là trên 184.000 ca.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở Mỹ là bang California, tiếp đến là bang Florida, bang Texas và bang New York. Các bang ghi nhận số ca bệnh trên 190.000 ca gồm Georgia, Illinois, Arizona và New Jersey.

Tại bang California, bất chấp tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Vườn thú Los Angeles ở thành phố cùng tên đã mở cửa trở lại trong ngày 26/8 sau 166 ngày đóng cửa vì dịch bệnh. Đây là đợt đóng cửa lâu nhất từ trước đến nay của vườn thú này.

Trong thông báo, ban quản lý Vườn thú Los Angeles cho biết sẽ yêu cầu khách tham quan cần đặt trước vé vào cửa trên hệ thống trực tuyến và giới hạn số vé bán ra mỗi ngày để đảm bảo duy trì giãn cách và các biện pháp an toàn phòng dịch. Tất cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi bắt buộc phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, những khu vực nuôi thú có nguy cơ cao lây nhiễm cũng bị hạn chế khách tham quan. Vườn thú Los Angeles đã phải đóng cửa từ ngày 13/3 vừa qua nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. 

Trong khi đó, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống giao thông công cộng ở thành phố New York. Ngày 26/8, Cơ quan Quản lý giao thông vận tải đô thị New York (MTA) cho biết đang cân nhắc cắt giảm 40% dịch vụ vận tải công cộng trong trường hợp không nhận được khoản hỗ trợ 12 tỷ USD từ chính quyền liên bang. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Revere, bang Massachusetts, Mỹ ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ đô tài chính của Mỹ đã kiểm soát được dịch COVID-19 trong vài tuần trở lại đây. Tuy nhiên, nhiều người dân New York vẫn tiếp tục làm việc tại nhà và hạn chế đi tàu điện ngầm và xe buýt, khiến số hành khách đi phương tiện công cộng ở thành phố này giảm mạnh. Theo MTA, kể từ tháng 5 vừa qua, số người sử dụng tàu điện ngầm ở New York đã giảm 75% so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 1904. Trong khi đó, số hành khách đi xe buýt cũng giảm 35%.

Phát biểu tại một cuộc họp ban lãnh đạo ngày 26/8, người đứng đầu MTA Patrick Foye cho biết cơ quan này chưa từng chứng kiến số hành khách sử dụng dịch vụ giao thông công cộng giảm mạnh như vậy, kể cả trong giai đoạn Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. 

Trước tình trạng thất thu khoảng 200 triệu USD mỗi tuần (tương đương 40% doanh thu), MTA đã kêu gọi chính phủ liên bang "bơm" hơn 12 tỷ USD vào mạng lưới giao thông công cộng ở New York nhằm khôi phục hoạt động kinh tế của thành phố này nói riêng và nước Mỹ nói chung.

Châu Á

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc trong ngày kỷ lục

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/8. Ảnh: THX/ TTXVN

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 76.826 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 3,31 triệu người. Số ca tử vong tăng 1.065 ca lên 61.694. 

Đây là số ca mắc theo ngày cao thứ ba trên thế giới, sau mức 78.427 ca vào ngày 25/7 và 76.930 ca vào ngày 17/7 đều được ghi nhận tại Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ khẳng định tình hình COVID-19 tại nước này đang trong tầm kiểm soát, với tỷ lệ bệnh nhân bình phục tăng lên hơn 76% và tỷ lệ tử vong chỉ ở mức 1,84%. Bộ này khuyến cáo tất cả những người mới được chẩn đoán mắc bệnh lao hoặc đang được điều trị lao cần được xét nghiệm COVID-19 vì bệnh lao liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao gấp 2,1 lần.

Trong thời gian qua, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm, theo đó, trong hai ngày vừa qua đã tiến hành lần lượt trên 820.000 và trên 920.000 xét nghiệm, đưa tổng số lượt xét nghiệm tại Ấn Độ lên 38,57 triệu lượt.

Nhật Bản: Tokyo gia hạn yêu cầu hàng quán rút ngắn thời gian hoạt động

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản ngày 20/8. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Nhật Bản, một quan chức ngày 27/8 cho biết chính quyền thủ đô Tokyo đã quyết định gia hạn yêu cầu các quán bán rượu và quán karaoke rút ngắn thời gian hoạt động trong ngày đến ngày 15/9 tới.

Quy định các hàng quán đóng cửa trước 22h hằng ngày chỉ áp dụng tại 23 quận của thủ đô Tokyo, không áp dụng đối với toàn bộ vùng thủ đô và các tỉnh lân cận. Biện pháp phòng dịch COVID-19 này lẽ ra được dỡ bỏ vào cuối tháng 8. 

Khu vực Tokyo ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trên cả nước. Chính quyền Tokyo ngày 26/8 công bố thêm 236 ca mắc, cao hơn so với 182 ca ngày 25/8 và 95 ca ngày 24/8, theo đó nâng tổng số ca mắc tại đây lên 19.846 ca. Số ca tử vong tại Tokyo tăng thêm 2 ca lên 356 ca.

Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 3

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 25/8. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 27/8 thông báo có 441 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 434 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 18.706 ca.

Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới hằng ngày tại Hàn Quốc ở mức trên 400 ca kể từ ngày 7/3 Hàn Quốc thông báo 483 ca nhiễm mới sau đợt bùng phát lớn ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang lân cận liên quan đến những người theo giáo phái Tân Thiên Địa.

Trước đó, Hàn Quốc đã cơ bản kiểm soát được tình hình với số ca nhiễm mới chỉ dao động trong vòng hai con số cho đến khi các ca nhiễm bắt đầu có dấu hiệu tăng đột biến từ ngày 14/8 với 103 ca (tăng gấp đôi so với ngày 13/8) và duy trì liên tục số ca nhiễm mới ở mức ba con số, nguồn lây nhiễm được xác định là từ Nhà thờ Sarang Jeil ở quận Seongbuk phía Bắc thủ đô Seoul và cuộc biểu tình quy mô lớn ở quảng trường Gwanghwamun vào ngày 15/8 vừa qua. Đã có 15 tỉnh, thành phố của Hàn Quốc ghi nhận có ca nhiễm mới.

Các cơ quan y tế Hàn Quốc đã cảnh báo rằng đợt bùng phát mới nhất này còn tồi tệ hơn nhiều so với đợt bùng phát lớn trước đó ở tỉnh Daegu, vì virus SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu tại khu vực thủ đô Seoul và các thành phố lân cận, nơi tập trung dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không xác định được con đường lây nhiễm tiếp tục tăng mạnh.   

Trung Quốc có thêm 8 ca nhiễm nhập cảnh

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 17/8. Ảnh: THX/TTXVN

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 27/8 thông báo Trung Quốc ghi nhận 8 ca nhiễm đều là các ca nhập cảnh.

Theo NHC, trong số các ca nhiễm mới nhập cảnh có 4 ca ở tỉnh Tứ Xuyên, 2 ca ở tỉnh Hà Bắc và 2 ca ở thành phố Thượng Hải. 

Như vậy, tính đến hết ngày 27/8, Trung Quốc có tổng cộng 85.004 ca mắc COVID-19, trong đó có 80.046 người đã khỏi bệnh và 4.634 ca tử vong, 324 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Trong khi đó, chính quyền Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận sẽ nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 28/8 trong bối cảnh số ca mắc mới giảm. Trong 7 ngày tiếp theo bắt đầu từ ngày 28/8, các nhà hàng phục vụ ăn uống sẽ được phép hoạt động đến 21h hằng ngày thay vì 18h như hiện nay. Các rạp chiếu phim, thẩm mỹ viện và một số địa điểm thể thao ngoài trời sẽ mở cửa trở lại. Người dân đến các công viên cũng sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong duy trì một số biện pháp giãn cách xã hội khác như đeo khẩu trang khi đi các phương tiện giao thông công cộng và vệ sinh cá nhân.

Indonesia có số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 24/8. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia ngày 27/8 thông báo nước này đã có 2.719 ca mắc bệnh COVID-19 và 120 ca tử vong. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. 

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 162.884 ca, trong đó có 7.064 ca tử vong.

Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 3.249 ca và 97 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 205.518 và 3.234. 

Hiện Philippines là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 25% số ca tử vong được ghi nhận trong 15 ngày qua. 

Châu Âu

Nhiều nước siết chặt quy định đeo khẩu trang

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 9/8. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc ở tất cả mọi địa điểm công cộng trong thủ đô Paris, một trong những điểm nóng của dịch bệnh tại Pháp. Các số liệu chính thức cho thấy trên 6.000 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong 24 giờ qua tại Pháp, trong đó số ca nhập viện và phải điều trị tích cực gia tăng. Thủ tướng Castex cảnh báo không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa dù chính phủ sẽ cố gắng làm mọi cách để tránh việc này.

Trong khi đó, theo một dự thảo đề xuất, Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) - cũng sẽ áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn liên quan đến việc đeo khẩu trang phòng dịch và không cho khán giả bóng đá đến sân vận động ít nhất cho đến cuối năm nay. Mức phạt được đề xuất là 50 euro nếu không đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các biện pháp này được thông qua trong ngày 27/8. Giống như tại các nước khác, sự gia tăng số ca nhiễm ở Đức trong những tuần gần đây chủ yếu do hoạt động di chuyển trong mùa hè và các cuộc gặp gỡ bạn bè và gia đình.

Cùng ngày, Anh cũng kêu gọi sinh viên đeo khẩu trang khi trở lại trường học vào tuần tới.

Các nước châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng nhanh trở lại khi đang vất vả để cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp hạn chế mới với nhu cầu phải vực dậy nền kinh tế sau tác động của đợt phong tỏa thứ nhất. Chính phủ nhiều nước châu Âu cũng đang cố gắng thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch để duy trì lòng tin của công chúng vào các biện pháp hạn chế các quyền tự do.

Hungary ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ tháng 4 

Chú thích ảnh
Y tá chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở bệnh viện tại Hungary. Ảnh: AFP

Trong 24 giờ qua, Hungary đã ghi nhận 91 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong một ngày kể từ tháng 4 vừa qua. 

Tính đến nay, quốc gia châu Âu này ghi nhận tổng cộng 5.379 ca mắc COVID-19, trong đó có 614 người tử vong. Chính phủ Hungary dự kiến thảo luận các biện pháp hạn chế mới do số ca nhiễm đang tăng cao.

Văn phòng Thủ tướng Hungary thông báo Chánh Văn phòng Nội các nước này Gergely Gulyas đang phải cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, ngày 22/8, ông Gulyas đã tham gia một sự kiện - nơi có người tham dự mắc COVID-19. 

Kết quả xét nghiệm đầu tiên của ông Gulyas là âm tính. Nếu xét nghiệm lần 2 cũng cho kết quả âm tính, ông Gulyas mới được hết cách ly và tham dự cuộc họp chính phủ ngày 28/8.     

Đức gia hạn lệnh cảnh báo đi lại đối với 160 nước và vùng lãnh thổ

Chú thích ảnh
Học sinh tới trường học sau kỳ nghỉ hè tại tây Berlin, Đức ngày 10/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Đức đã gia hạn cảnh báo đi lại đối với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU) và ngoài khu vực Schengen do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Với quyết định gia hạn này, lệnh cảnh báo đi lại được ban bố trước đó sẽ kéo dài tới ngày 14/9 thay vì hết hạn vào ngày 31/8 tới. 

Hiện cảnh báo đi lại của Đức có hiệu lực với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), chỉ có hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ là thuộc nhóm nguy cơ cao. Căn cứ vào đó, những người từ địa điểm này khi nhập cảnh vào Đức sẽ phải cách ly tại nhà và thông báo với cơ quan y tế có thẩm quyền.

Từ đầu tháng 8, tất cả những người này khi tới Đức cũng phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong 48 giờ trước khi đến Đức hoặc phải tiến hành xét nghiệm trong vòng 72 giờ sau khi đến Đức. Đức đã thiết lập các trung tâm xét nghiệm tại ga tàu, sân bay và các địa diểm dễ tiếp cận để mở rộng xét nghiệm trên cả nước.

Đến nay, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đức là 240.558 ca, trong đó có 9.359 ca tử vong. Mặc dù kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt hơn nhiều nước láng giềng châu Âu khác, nhưng số ca nhiễm mới tại Đức trong tháng 8 này đã tăng đột biến với tỷ lệ cao chưa từng có kể từ tháng 4 - thời điểm dịch bệnh lên tới đỉnh điểm tại nước này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 hết 27/8 tại ASEAN: Indonesia có số ca mắc/ngày cao kỷ lục; Myanmar đóng toàn bộ trường học
COVID-19 hết 27/8 tại ASEAN: Indonesia có số ca mắc/ngày cao kỷ lục; Myanmar đóng toàn bộ trường học

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 27/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 439.825, trong đó 10.547 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN