COVID-19 hết 27/8 tại ASEAN: Indonesia có số ca mắc/ngày cao kỷ lục; Myanmar đóng toàn bộ trường học

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 27/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 439.825, trong đó 10.547 người tử vong. 

Trong ngày 27/8, ASEAN ghi nhận 6.060 ca mắc tại 8 quốc gia và 218 ca tử vong tại ba quốc gia. 

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong ngày 27/8 vẫn là Philippines với 3.249 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 27/8 là Indonesia với 2.719 ca – con số kỷ lục trong một ngày.

Hai quốc gia có ca tử vong cao trong ngày 27/8 là Philippines (97 ca) và Indonesia (120 ca).

Indonesia có số ca mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay

Chú thích ảnh
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 24/8. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia ngày 27/8 thông báo nước này đã có 2.719 ca mắc bệnh COVID-19 và 120 ca tử vong. Đây là ngày quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. 

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 162.884 ca, trong đó có 7.064 ca tử vong.

Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận 3.249 ca và 97 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 205.518 và 3.234. 

Hiện Philippines là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, khoảng 25% số ca tử vong được ghi nhận trong 15 ngày qua. 

Myanmar đóng cửa tất cả các trường học trên toàn quốc 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 26/8. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Myanmar ngày 27/8 đã ra lệnh đóng cửa các trường học trên toàn quốc, trong bối cảnh các ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục gia tăng. Quyết định này của chính phủ được đông đảo các bậc phụ huynh hoan nghênh.

Dịch COVID-19 đã tái bùng phát trở lại kể từ đầu tuần trước tại Myanmar, sau một tháng không ghi nhận ca bệnh mới nào trong cộng đồng. Kể từ khi tái bùng phát, nước này ghi nhận trên 200 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Hầu hết các ca mắc bệnh gần đây đều là cư dân sống xung quanh Yangon - thành phố lớn nhất ở Myanmar. Giới chức nước này nhận định dịch bệnh đang lây lan với tốc độ nhanh hơn trước đó.

Hôm 25/8 vừa qua, Myanmar ghi nhận tới 70 ca nhiễm mới - mức tăng trong ngày lớn nhất ở nước này. Chỉ với 6 ca tử vong và 586 ca nhiễm virus kể từ cuối tháng 3 vừa qua, tác động của virus SARS-CoV-2 vẫn còn tương đối nhẹ nhàng ở Myanmar, nếu so với Indonesia và Philippines - những quốc gia có hàng nghìn trường hợp mắc bệnh mỗi ngày.

Campuchia cho mở lại trường công ở 4 thành phố từ tháng 9

Chú thích ảnh
Họ sinh trường công ở 4 thành phố Campuchia sẽ trở lại trường học. Ảnh: Phnompenh Post

Người phát ngôn Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia Ros Soveacha ngày 27/8 cho biết trường công các cấp ở 4 thành phố Kratie, Stung Treng, Ratanakiri và Mondulkiri được sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 7/9 tới.

Ông Soveacha nêu rõ sau khi tiến hành đánh giá, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao cho phép các trường học ở các thành phố trên được đón học sinh trở lại lớp vì đây là các thành phố ít rủi ro về lây nhiễm COVID-19. Bộ sẽ kiểm tra thêm về khả năng đảm bảo hoạt động phòng dịch của các trường công ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh khác.

Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo sẽ cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân ở các cấp học mở cửa trở lại sau khi các cơ sở này đáp ứng những điều kiện về vệ sinh an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ; nộp đơn xin mở lại cơ sở giáo dục và ký thỏa thuận với bộ trước khi hoạt động trở lại.

Theo kế hoạch, học sinh Campuchia sẽ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay vào ngày 21/12 tới.

Trước đó, ngày 25/8, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã “bật đèn xanh” cho các trường mẫu giáo và trường tiểu học ở nước này được mở cửa trở lại trong tháng 9 tới, sau hơn 3 tháng phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia, ngày 26/8 là ngày thứ 12 liên tiếp Campuchia không phát hiện ca nhiễm mới COVID-19 và vừa có thêm một trường hợp khỏi bệnh. Như vậy tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia xác nhận tổng cộng 273 trường hợp mắc COVID-19 tại nước này, trong đó 264 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn.

Động vật trong các vườn thú Thái Lan gặp nguy vì COVID-19

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên mang đồ ăn cho động vật tại sở thú. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành du lịch của Thái Lan, một quỹ bảo tồn động vật ở nước này đã cảnh báo tình trạng nhiều điểm tham quan như vườn thú và các trang trại dành cho voi hay hổ đang chịu nhiều thiệt hại, thậm chí có thể phải thả những động vật này ra môi trường tự nhiên do không đủ điều kiện chăm sóc.

Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 170km về phía Tây Nam, được thành lập với mục đích giải cứu những động vật bị con người bỏ mặc hoặc bạo hành. Tuy nhiên, hiện hoạt động của quỹ này đang chịu tác động mạnh của các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Voi tại khu bảo tồn ở tỉnh Phetchaburi. Ảnh: Reuters

Người sáng lập quỹ trên, ông Edwin Wiek cho biết trong 6 tháng qua, vườn thú không có khách ghé thăm và mất 75% thu nhập. Mới đây, ông Wiek đã tự giam mình 4 ngày đêm trong một chiếc chuồng từng là nơi ở của những chú vượn, nhằm gây quỹ trị giá 25.000 USD để mua thức ăn cho động vật của vườn thú cũng như hỗ trợ những động vật cần tới sự chăm sóc của quỹ này. Ông Wiek lo ngại vấn đề nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi nhiều vườn thú tại Thái Lan không có nguồn thu và bắt đầu phải tính tới việc thả các con vật ra môi trường tự nhiên.

Vườn thú của ông Wiek có hơn 800 động vật sinh sống và chi phí duy trì hoạt động khoảng 4.000 USD/tháng. Vườn thú này thường nhận được sự trợ giúp từ các tình nguyện viên, nhưng hiện giờ chỉ còn một tình nguyện viên duy nhất. Ông Wiek cho rằng các tiêu chuẩn chăm sóc khó có thể được đảm bảo khi vườn thú liên tục nhận nuôi thêm các động vật đồng thời cho biết vườn thú chỉ còn đủ quỹ để duy trì hoạt động trong vòng 6-8 tuần nữa.  

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhiều nước châu Âu siết chặt quy định đeo khẩu trang chống dịch COVID-19
Nhiều nước châu Âu siết chặt quy định đeo khẩu trang chống dịch COVID-19

Ngày 27/8, Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc ở tất cả mọi địa điểm công cộng trong thủ đô Paris, một trong những điểm nóng của dịch bệnh tại Pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN