Điểm sáng thế giới 2024: Những câu chuyện tốt lành khép lại một năm đầy biến động

Trẻ em bị bắt cóc tìm lại được nguồn gốc của mình, bệnh sốt rét bị xóa sổ ở Ai Cập, ốc sên cứu mùa màng, "cái khó ló cái khôn" của người dân Gaza hay tiếng nói của các nghệ sĩ châu Phi nằm trong số những câu chuyện đầy lạc quan, kết thúc một năm 2024 đầy biến động.

Chú thích ảnh
Một số những nhân vật chính của những câu chuyện tốt lành trong năm 2024. Ảnh: El Pais

Rõ ràng là 2024 không phải là năm của những tin tốt lành. Các cuộc xung đột đã gia tăng về số lượng và cường độ. Theo Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), hiện có 56 cuộc xung đột đang diễn ra trên toàn thế giới, liên quan đến 92 quốc gia, một con số chưa từng thấy kể từ Thế chiến II. Một số trong đó khiến chúng ta lo lắng hơn, chẳng hạn như cuộc chiến Ukraine hoặc Gaza, nơi số người chết vượt quá 45.000 theo con số chính thức, hay những cuộc xung đột ít gây chú ý ở Sudan, CHDC Congo và Haiti.

Tất cả các cuộc chiến như vậy đều kéo theo các vấn đề về người tị nạn, tội phạm tình dục, nạn đói, trẻ em bị bỏ rơi và ốm yếu... Thêm nữa, trong năm 2024, sự tàn phá về khí hậu cũng gia tăng, từ tình trạng nắng nóng khắc nghiệt ở Sahel đến lũ lụt khủng khiếp ở nhiều nơi khác nhau.

Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh những cuộc khủng hoảng đau đớn và phức tạp đó, những tin tức đầy tích cực vẫn xuất hiện khiến chúng ta đầy xúc động và hy vọng về một năm mới 2025 tươi sáng hơn.

“Cô dâu chạy trốn” Masago

Ở tuổi 17, Naishorua Masago - một cô gái Masai sống ở miền bắc Tanzania, còn được mọi người gọi là "Nai" — đã trốn thoát khỏi đám cưới mà cha cô đã lên kế hoạch nhằm ép buộc cô lấy chồng. Nai chỉ biết đến người cha đó của mình vào năm 13 tuổi, khi cô vừa học xong tiểu học và hiểu rằng hóa ra lâu nay người mà cô tưởng là cha mẹ mình hóa ra là ông bà. Cô bé 13 tuổi bị cha ép lấy chồng, nhưng nhờ sự can thiệp của một hội đồng gồm những phụ nữ chăn cừu người Masai ở Tanzania, có tên là Hội đồng Phụ nữ Mục vụ (PWC), Nai đã được trao học bổng và đi học tiếp.

Tuy nhiên, sau 4 năm học, khi trở về nhà, Nai lại bị cha ép lấy chồng. Cuộc “chạy trốn” lần này tiếp tục diễn ra nhờ sự hỗ trợ của PWC. Trong suốt hơn 20 năm, nhóm này đã tìm cách thay đổi những hủ tục đã ăn sâu và bảo vệ những quyền cơ bản nhất của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng của họ. 

Chú thích ảnh
Nhóm phụ nữ Masai ở Tanzania hát cảm ơn vì những lợi ích họ nhận được từ một dự án của PWC cho phép họ sở hữu gia súc. Ảnh: El Pais

Cuộc chiến chống bệnh AIDS ở Philippi, Nam Phi

Philippi phải đấu tranh với tội phạm, rác thải và đói nghèo. Nhưng tại khu phố ở ngoại ô Cape Town (Nam Phi) này, một dự án y tế thí điểm đang được triển khai có thể thay đổi cuộc sống của hàng nghìn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái thường bị ép quan hệ tình dục không an toàn.

Dự án bao gồm việc cung cấp - miễn phí, tự nguyện và kín đáo - cái gọi là CAB-LA, hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm dạng tiêm (PrEP), là một phương pháp điều trị dự phòng giúp ngăn chặn sự lây nhiễm và chứa thuốc kháng virus, tương tự như thuốc dùng để điều trị cho những người mang HIV. Phương pháp điều trị này bảo vệ các tế bào của hệ thống miễn dịch khỏi bị nhiễm virus.

Những bộ pin của Aljazzar tại Gaza

Việc giữ cho điện thoại di động đủ pin là điều cần thiết để sinh tồn ở Gaza. Nhưng Dải Gaza — nơi bị tàn phá bởi hơn 14 tháng chiến tranh — không có điện. Từ căn lều của người di tản ở phía nam vùng lãnh thổ Palestine bị cô lập này, Abdallah Aljazzar - một sinh viên mới tốt nghiệp ngành Văn học Anh - đã thiết kế ra một hệ thống tấm pin năng lượng Mặt trời và những viên pin. Mỗi ngày, sáng chế này cho phép anh sạc pin cho hàng chục thiết bị của hàng xóm.

Một nỗ lực có tên "Repower Gaza" (Cấp lại điện cho Gaza) mà Aljazzar vận động đang thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ nhiều nơi trên thế giới, nhằm cung cấp năng lượng từ các tấm pin Mặt trời cho Dải Gaza.

Chú thích ảnh
Abdallah Aljazzar và những em nhỏ Gaza đang vui mừng vì được trao tặng một tấm năng lượng mặt trời. Ảnh: Energy

Ốc sên của Pakisoni

Ba triệu nông dân ở Malawi đã dựa vào các sáng kiến ​​nông nghiệp thông minh thích ứng với khí hậu (CSA) để phục hồi độ phì nhiêu của đất và cải thiện năng suất cây trồng. Những sáng kiến ​​này thường bao gồm các biện pháp đơn giản, chẳng hạn như ủ phân hoặc xen canh. Kiểm soát bền vững ốc sên, loài mà cho đến gần đây vẫn được coi là gây hại, cũng là một yếu tố. Bây giờ, thay vì phun thuốc hóa học để tiêu diệt ốc sên, những người nông dân như Eleniya Pakisoni coi chúng là một nguồn kiếm sống.

Ramírez trở về nhà

Buổi sáng một ngày cuối tháng 10 vừa qua, trong sân bóng bầu dục ở Futeca Cayalá (ở thủ đô Guatemala), Osmín Ricardo Tobar Ramírez - đội trưởng 35 tuổi khoác áo hậu vệ của đội bóng địa phương Los Toros - đang luyện tập hăng say. Mẹ anh - bà Flor de María Ramírez Escobar 52 tuổi - ngồi bên ngoài quan sát với nụ cười tự hào. Khó ai hình dung nổi, người phụ nữ tươi cười trong sân bóng từng mất con trai bà suốt 14 năm.

Ramírez sẽ không bao giờ quên ngày 9/1/1997. Cậu mới 7 tuổi khi các đặc vụ từ Văn phòng Tổng chưởng lý Guatemala xông vào nhà, bắt cậu và anh trai đi. Sự việc xảy ra sau khi một người hàng xóm nộp đơn khiếu nại, nói rằng bọn trẻ đã bị bỏ rơi. "Họ nói với tôi rằng họ sẽ trả lại chúng tôi vào buổi chiều, nhưng đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ngôi nhà của mình", Ramirez nhớ lại.

Khoảng 30.000 trẻ em từ Guatemala đã được đưa đi làm con nuôi quốc tế trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 2007. Trong nhiều trường hợp, quá trình này bị chi phối bởi nạn tham nhũng. Một số đã trở về và đang giúp những người khác tìm lại gia đình ruột thịt của mình. Ramírez là một trong số đó. Năm 2018, Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ đã lên án nhà nước Guatemala vì đã cho nhận nuôi Ramírez và anh trai của anh một cách bất hợp pháp.

Okeyo đấu tranh chống kỳ thị với bệnh AIDS ở châu Phi

Ruele Okeyo tự quay cảnh mình uống thuốc kháng virus HIV trên bãi biển, khi chuẩn bị lên máy bay, tại quầy thanh toán ở siêu thị và trong một nhà hàng. Nhà hoạt động nhân quyền người Kenya 27 tuổi này – với 91.000 người theo dõi trên TikTok - không che giấu căn bệnh của mình. Anh sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ chống lại sự kỳ thị, hy vọng truyền tải thông điệp tích cực đến những người vừa phát hiện ra rằng họ bị nhiễm HIV hoặc đang sống chung với loại virus này. Nhiều người có sức ảnh hưởng khác ở đất nước anh - cũng như ở các quốc gia khác, như Rwanda hoặc Namibia - cũng đã quyết định ngừng che giấu căn bệnh AIDS, căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 25 triệu người trên khắp lục địa Châu Phi.

Ai Cập xóa sổ bệnh sốt rét

Hơn 3.300 năm sau khi Tutankhamun qua đời - người dường như đã mắc bệnh sốt rét - năm 2024, Ai Cập đã thoát khỏi căn bệnh này, nhờ gần một thế kỷ nỗ lực trong lĩnh vực y tế công cộng. Trang web chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tuyên bố vào ngày 20/10 khẳng định Ai Cập đã được cơ quan này chứng nhận là quốc gia loại trừ được bệnh sốt rét.

Một trong những chìa khóa thành công của Ai Cập trong quá trình này là mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân và tăng cường đào tạo các chuyên gia trong phát hiện và chống bệnh sốt rét. Điều quan trọng nữa là chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét phải miễn phí và phổ cập, cũng như thực tế là tình trạng thiếu thuốc men đã được khắc phục.

Chống thông tin sai lệch ở Ghana

Một ứng cử viên Hồi giáo ăn thịt lợn, hoặc một ứng cử viên Cơ đốc giáo nghiện rượu: nhiều nỗ lực tranh cử đã bị phá hoại bằng những hình ảnh giả mạo như vậy, được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo. Tình trạng này diễn ra lan tràn trong chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tháng 12 này tại Ghana. Để ngăn chặn chúng, một số đơn vị kiểm tra thông tin địa phương đã hợp tác với nhau và thành lập Liên minh kiểm tra thông tin Ghana (GFC). Họ cũng thành lập liên minh với các tổ chức xã hội dân sự và các nhà báo để phát hành thông tin đã được xác minh. Ví dụ, hơn 100 đài phát thanh và truyền hình trải dài trên 16 khu vực của Ghana đã hợp tác với GFC để công bố thông tin kiểm tra thực tế của họ bằng khoảng 45 ngôn ngữ địa phương.

Tiếng nói của nữ đạo diễn châu Phi

Cyrielle Raingou mất 7 năm để quay bộ phim tài liệu của cô, “The Spectre of Boko Haram” (Bóng ma Boko Haram - năm 2023). Nữ đạo diễn không chỉ trải qua nhiều mối nguy hiểm từ nhóm thánh chiến cực đoan Boko Haram ở Cameroon, mà còn phải đối mặt với nạn phân biệt giới tính liên quan đến thẩm quyền của cô trong quá trình quay phim, đánh giá khuôn mẫu của phương Tây về điện ảnh châu Phi, cũng như việc thiếu kinh phí cho các dự án do các đạo diễn nữ thực hiện tại lục địa này.

Raingou đã lên tiếng về những thành tựu và khó khăn của cô tại Liên hoan phim châu Phi FCAT, dành riêng cho các nữ đạo diễn ở châu lục này.

Một chiến thắng nhỏ cho Tiến sĩ Li

“Có lẽ mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của thời đại chúng ta đến từ sự thay đổi khí hậu”, đó là lời khẳng định của Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mối liên hệ giữa hai thực tế này đã được làm rõ trong Đại hội đồng thế giới lần thứ 77 của tổ chức vào tháng 6. Đó là thời điểm 194 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ phiếu nhất trí thông qua một nghị quyết, trong đó họ cam kết đưa biến đổi khí hậu vào kế hoạch chính sách y tế quốc gia. Đây là cuộc chiến mà Ailan Li - trợ lý Tổng giám đốc phụ trách Bảo hiểm y tế toàn dân tại WHO - đã đấu tranh trong nhiều năm. Bà Li lưu ý một ví dụ như ở Peru, "các đợt dịch sốt xuất huyết chết người ngày càng dữ dội, gia tăng do nhiệt độ tăng cao và lượng mưa trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Quảng trường Thời đại ở Mỹ náo nhiệt trước thềm năm mới 2025
Quảng trường Thời đại ở Mỹ náo nhiệt trước thềm năm mới 2025

Ngày 29/12 (giờ Mỹ), không khí náo nhiệt đã tràn ngập Quảng trường Thời đại ở thành phố New York với sự kiện thử nghiệm thả giấy màu - một trong những hoạt động truyền thống không thể thiếu trước lễ chào đón năm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN