Chuỗi thảm kịch hàng không gây rúng động năm 2024

Năm 2024, ngành hàng không thế giới xảy ra hàng loạt tai nạn máy bay nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người.

Những sự cố này cho thấy những thách thức dai dẳng trong việc đảm bảo an toàn hàng không, khiến 2024 trở thành một năm đặc biệt tang thương đối với ngành này. Dưới đây là tổng hợp một số tai nạn hàng không lớn trong năm 2024.

Japan Airlines

Chú thích ảnh
Máy bay chở khách của Japan Airlines bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tại sân bay Haneda ở Tokyo, tối 2/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, một vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng đã xảy ra tại Nhật Bản. Máy bay Airbus A350 của Japan Airlines va chạm với chiếc De Havilland Dash-8 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) vào hôm 2/1 tại sân bay Haneda ở Tokyo.

Tất cả 379 hành khách trên máy bay của Japan Airlines được nhanh chóng sơ tán an toàn, không lâu sau khi nó hạ cánh và bốc cháy dữ dội. Phi công trên chiếc De Havilland Dash-8 cũng thoát hiểm bảo toàn tính mạng, tuy nhiên, 5 thành viên phi hành đoàn còn lại trên máy bay này đã không may mắn và tử nạn.

Sau vụ việc, các chuyên gia đã có phân tích chuyên sâu về những yếu tố khiến toàn bộ hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay của Japan Airlines đều an toàn trong tình huống nguy hiểm cận kề, ngàn cân treo sợi tóc như vậy.

Trước hết, họ cho rằng sơ tán hoàn hảo và công nghệ mới đã đóng vai trò lớn trong câu chuyện thần kỳ của máy bay Japan Airlines.

Chú thích ảnh
Giới chức Nhật Bản kiểm tra chiếc máy bay Airbus A350 bị cháy rụi sau vụ va chạm, ngày 4/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hành khách người Thụy Điển Anton Deibe (17 tuổi) vẫn nhớ như in cảnh hỗn loạn sau cú va chạm, khi chiếc Airbus A350 dừng lại trên đường băng. Deibe thuật lại với tờ báo Thụy Điển Aftonbladet: “Toàn bộ khoang máy bay ngập khói chỉ trong vài phút. Nó khiến chúng tôi khó chịu. Đó thực sự là địa ngục. Chúng tôi nằm rạp xuống sàn. Sau đó, các cửa thoát hiểm được mở ra và chúng tôi lao ngay đến chúng. Tôi hoàn toàn không biết mình đang chạy về đâu, chỉ biết lao ra bên ngoài. Đó là cảnh tượng hỗn loạn”. Deibe, cùng bố mẹ và em gái, may mắn thoát khỏi hiện trường mà không bị thương.

Nhà phân tích hàng không Alex Macheras chia sẻ với đài BBC (Anh) rằng phi hành đoàn máy bay Japan Airlines đã triển khai cuộc sơ tán chuẩn chỉnh trong vài phút đầu tiên quan trọng, sau vụ va chạm. Ngọn lửa chỉ bùng lên ở một khu vực của Airbus A350 trong 90 giây đầu tiên, tạo điều kiện để họ có một khoảng thời gian ngắn đưa mọi người ra ngoài. Ông Macheras cho biết phi hành đoàn rõ ràng đã nắm được những cửa nào ở xa ngọn lửa, đó là lý do các bức ảnh hiện trường cho thấy không phải tất cả các lối thoát đều được mở để mọi người ra ngoài.

Ngoài ra, Airbus A350 là một trong những máy bay thương mại đầu tiên được làm bằng vật liệu composite, sợi carbon. Những vật liệu này dường như có khả năng chống chịu tốt sau vụ va chạm ban đầu.

Tất cả những yếu tố này góp phần khiến hành khách trên chiếc máy bay Japan Airlines kịp thời sơ tán an toàn, khi ngọn lửa nhanh chóng lan rộng và nhấn chìm máy bay.

Ilyushin Il-76 của quân đội Nga

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ rơi máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76 của quân đội Nga. Ảnh: TASS

Cũng trong tháng 1, máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76 của Nga bị rơi gần Belgorod khiến 74 người thiệt mạng, trong đó có 6 thành viên phi hành đoàn, 3 binh sĩ Nga và 65 tù nhân là binh lính Ukraine. Nga cáo buộc Ukraine đã bắn hạ chiếc Ilyushin Il-76 đang trên đường đến địa điểm trao đổi tù binh này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết chiếc máy bay đã bốc cháy thành quả cầu lửa lớn, khiến tất cả 74 người tử vong. Chiếc Ilyushin Il-76 xấu số cất cánh từ căn cứ không quân Chkalovsky gần Moskva để đến Belgorod.

Vụ tai nạn xảy ra gần Belgorod ở phía Tây nước Nga, gần biên giới với Ukraine. Khu vực Belgorod là mục tiêu của các cuộc tấn công xuyên biên giới thường xuyên từ Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết radar của nước này đã phát hiện 2 tên lửa Ukraine được phóng từ khu vực Kharkiv.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, không nói liệu họ có bắn hạ chiếc Ilyushin Il-76 hay không, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục tiêu diệt máy bay quân sự của Nga mà họ nghi ngờ chở tên lửa để tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, Tình báo quân sự Ukraine tuyên bố họ không có thông tin đáng tin cậy về những người có mặt trên chiếc máy bay bị rơi.

Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ một cuộc trao đổi tù binh đã được lên kế hoạch diễn ra tại trạm kiểm soát Kolotilovka trên biên giới giữa Nga và Ukraine. Về phần mình, tình báo quân sự Ukraine cho xác nhận có kế hoạch về trao đổi tù binh vào ngày xảy ra tai nạn với chiếc Ilyushin Il-76. Tuy nhiên, phía Ukraine lập luận rằng Nga không thông báo cho họ về phương tiện vận chuyển tù nhân chiến tranh và tuyến đường bay. Ngoài ra, Kiev không được yêu cầu đảm bảo an ninh cho không phận Belgorod vào một thời điểm cụ thể.

Singapore Airlines

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được triển khai tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok (Thái Lan) khi máy bay Boeing 777 của Hãng Singapore Airlines phải hạ cánh khẩn cấp do nhiễu động không khí vào tháng 5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20/5, chiếc Boeing 777-300ER của Singapore Airlines bất ngờ gặp nhiễu động dữ dội khi đang bay qua lưu vực Irrawaddy của Myanmar. Nhiễu động xảy ra khi máy bay di chuyển qua các luồng không khí va chạm nhau với tốc độ chênh lệch lớn.

Hậu quả là hành khách người Anh Geoff Kitchen (73 tuổi) tử vong do đau tim. Chiếc Boeing 777-300ER buộc phải chuyển hướng đến Bangkok sau sự cố. Kênh CNA (Singapore) đưa tin rằng khoảng 10 hành khách khác đã phải điều trị tại bệnh viện ở Thái Lan hơn hai tuần sau vụ việc.

Dữ liệu từ trang web theo dõi hàng không FlightRadar24 cho thấy máy bay Singapore Airlines đột nhiên lao xuống rồi nhanh chóng tăng độ cao rồi tiếp tục hạ và tăng độ cao, sau đó trở lại độ cao bay bình thường. Theo dữ liệu, toàn bộ sự cố gián đoạn kéo dài khoảng 90 giây. Điều tra sơ bộ cho thấy chiếc Boeing 777-300ER đã rơi 54 mét trong vòng chưa đầy 5 giây.

Có 211 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn trên máy bay Boeing 777-300ER vào thời điểm xảy ra sự cố.

Đến tháng 6, Singapore Airlines tuyên bố mỗi hành khách bị thương nhẹ trong sự cố được bồi thường 10.000 USD, trong khi hành khách bị thương nghiêm trọng, cần được chăm sóc y tế dài hạn và yêu cầu hỗ trợ tài chính sẽ được trả trước 25.000 USD để giải quyết nhu cầu cấp thiết. Đây sẽ là một phần trong khoản bồi thường cuối cùng mà những hành khách này sẽ nhận được. Ngoài ra, tất cả hành khách trên chuyến bay SQ321 ngày 20/5 từ London đến Singapore sẽ được hoàn lại tiền vé.

Theo quy định quốc tế, các hãng hàng không phải bồi thường khi hành khách bị thương hoặc tử vong trên máy bay.

Sự cố này đã thu hút sự chú ý đến quy định về thắt dây an toàn, vì các hãng hàng không thường cho phép hành khách tháo dây an toàn trong tình trạng bay bình thường.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, các sự cố liên quan đến nhiễu động là loại tai nạn phổ biến nhất mà hãng hàng không thương mại phải đối mặt.

Rơi máy bay Brazil

Chú thích ảnh
Máy bay bốc cháy sau khi rơi xuống thành phố Vinhedo, bang Sao Paulo, Brazil ngày 9/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 9/8, Brazil rúng động bởi một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất của quốc gia này. Chiếc ATR 72-600 của hãng không lớn thứ tư của Brazil theo thị phần - Voepass Airlines - đã rơi gần một khu dân cư ở Vinhedo, Sao Paulo. Vụ tai nạn xảy ra khi chiếc máy bay đang thực hiện hành trình từ Cascavel đến Guarulhos. Có 62 người tử nạn, trong đó gồm 4 thành viên phi hành đoàn và 58 hành khách.

Một số chuyên gia cho rằng tình trạng đóng băng có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, bởi cảnh báo đã được ban hành vào ngày hôm đó về tình trạng đóng băng nghiêm trọng trong khu vực. Đã có nhiều trường hợp phi công mất khả năng kiểm soát máy bay ATR sau khi xảy ra tình trạng băng tích tụ trên máy bay. Trong đó có trường hợp phi cơ bị chết máy vào năm 2016 tại Na Uy, nhưng may mắn khi đó phi công đã lấy lại được quyền kiểm soát. Năm 2010, băng và lỗi của phi công đã dẫn đến tai nạn của chuyến bay 883 thuộc hãng Aero Caribbean ở Cuba, khiến 68 người thiệt mạng.

Báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra về nguyên nhân của thảm kịch dự kiến được đưa ra một năm sau khi chuyến bay định mệnh bị rơi.

Rơi trực thăng Iran

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ rơi máy bay chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gần Varzaqan, cách thủ đô Tehran khoảng 670km. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amirabdollahian đã tử nạn trong vụ tai nạn trực thăng ngày 19/5 ở khu vực miền núi và rừng rậm tại tỉnh Đông Azerbaijan của nước này, trong sương mù dày đặc. Sáu người khác trên trực thăng, bao gồm cả các thành viên phi hành đoàn, cũng thiệt mạng.

Chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi là dòng Bell 212 hai cánh do Mỹ sản xuất và được cho đã hàng chục tuổi. Lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với Iran từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này khiến Tehran khó trang bị được linh kiện hoặc máy bay mới.

Theo Cục Lưu trữ Tai nạn Máy bay (B3A) có trụ sở tại Geneva, từ năm 1979 đến năm 2023, đã có trên 2.000 người tử vong do tai nạn hàng không tại Iran. Iran đã phải hứng chịu loạt tai nạn máy bay chết người tăng vọt vào những năm 1980, 1990 và đầu những năm 2000. Theo Viện Chính sách Cận Đông có trụ sở ở Washington, tính đến tháng 4/2019, 23 hãng hàng không Iran chỉ khai thác 156 máy bay trong tổng số 300 máy bay trong nước. Con số này này cho thấy gần một nửa số máy bay của Iran không thể cất cánh do phải chờ phụ tùng thay thế. Nhu cầu sửa chữa thường xuyên đã làm tăng giá vé máy bay ở Iran.

Ông Mohammad Mohammadi-Bakhsh, lãnh đạo Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (CAO), chia sẻ với hãng thông tấn Fars vào năm 2022 rằng máy bay cũng không thể đưa nước ngoài để sửa chữa và phải chờ sửa chữa tại địa phương, với nguồn nhân lực chuyên gia hạn chế.

Rơi máy bay ở Azerbaijan

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ rơi máy bay chở khách của Azerbaijan Airlines gần thành phố Aktau, Kazakhstan ngày 25/12. Ảnh: AzerNews/TTXVN

Giới chức Kazakhstan, Azerbaijan và Nga đang cố gắng xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines ở Kazakhstan vào ngày Giáng sinh khiến 38 người thiệt mạng, chỉ còn 29 người sống sót.

Chuyến bay 8243 của Azerbaijan Airlines gặp nạn khi đang trên hành trình từ thủ đô Baku của Azerbaijan đến thành phố Grozny của Nga. Chiếc máy bay này đột ngột chuyển hướng chưa rõ lý do và rơi khi cố gắng đến một sân bay khác ở Aktau, phía Tây Kazakhstan. Video do nhân chứng quay lại cho thấy chiếc máy bay đã lao dốc trước khi chạm đất và bùng nổ thành quả cầu lửa, ở địa điểm cách sân bay Aktau hơn 3 km.

Azerbaijan Airlines cho biết có 67 người trên máy bay, bao gồm 62 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn. Các nhà điều tra đã thu hồi được cả hai hộp đen, dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái, từ hiện trường vụ tai nạn.

Dưới đây là video ghi lại thời điểm chiếc máy bay rơi (nguồn: Reuters):

Kazakhstan, Azerbaijan và Nga đều đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn. Ngày 27/12, Azerbaijan Airlines cho biết chuyến bay 8243 đã chịu "can thiệp vật lý và kỹ thuật từ bên ngoài", nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào. Hãng thông báo đình chỉ các chuyến bay đến một số sân bay của Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời xin lỗi tới người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev về vụ tai nạn máy bay. Văn phòng Báo chí của Điện Kremlin cho biết nhà lãnh đạo Nga Putin cũng bày tỏ tiếc thương sâu sắc và chân thành tới các gia đình nạn nhân, đồng thời mong những người bị thương mau chóng hồi phục.

Thông báo cũng có đoạn nói rằng vào thời điểm đó, thiết bị bay không người lái đã hướng đến tấn công Grozny, Mozdok và Vladikavkaz của Nga buộc nước này kích hoạt hệ thống phòng không để đáp trả.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng, khách quan và minh bạch về vụ tai nạn.

Jeju Air

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Chiếc máy bay dòng Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air, chở 181 người, trong đó có 175 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, đã phải hạ cánh bằng bụng, sau đó trượt dài trên đường băng rồi đâm vào hàng rào và phát nổ. 179 người đã thiệt mạng sau vụ việc được coi là trong một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Hàn Quốc này.

Vụ tai nạn xảy ra vào 9 giờ 3 phút sáng 29/12 giờ địa phương khi chuyến bay 7C 2216 của Jeju Air cất cánh từ thủ đô Bangkok (Thái Lan) hạ cánh tại Sân bay quốc tế Muan, tại tỉnh Nam Jeolla, cách thủ đô Seoul khoảng 290 km về phía Tây Nam. Cơ quan Cứu hỏa Quốc gia xác nhận có hai người đã được giải cứu. Họ đều là thành viên phi hành đoàn. Hỏa hoạn bao trùm máy bay đã được dập tắt.

Quan chức của Ban điều tra Tai nạn hàng không và đường sắt thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết, việc xác định nguyên nhân chính xác của các vụ tai nạn có quy mô như thế này thường mất nhiều tháng. Một trong hai hộp đen của máy bay Jeju Air gặp nạn đã hư hỏng một phần, có thể làm chậm quá trình phân tích nhằm tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.

Ngày 29/12, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok tuyên bố quốc tang 7 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn

Jeju Air là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, được thành lập vào năm 2005, đã đưa ra lời xin lỗi về vụ tai nạn. Đây cũng là vụ tai nạn chết người đầu tiên của Jeju Air. Vào tháng 8/2007, một chiếc Bombardier Q400 do hãng hàng không này khai thác, chở 74 hành khách đã lao khỏi đường băng do gió mạnh tại sân bay Busan Gimhae, khiến hàng chục người bị thương.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, CNN, Guardian, Reuters)
Những thảm kịch hàng không khó tin do máy bay va phải chim
Những thảm kịch hàng không khó tin do máy bay va phải chim

Máy bay đâm phải động vật hoang dã không phải là chuyện hiếm, và hầu hết các vụ việc đều không gây tổn thất nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thế giới đã xảy ra những thảm kịch hàng không chết chóc xuất phát từ những cú va chạm như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN